Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ hai, 12/06/2023 07:06
TMO - Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Bến Tre đã và đang xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực đang được địa phương này tập trung triển khai thực hiện tốt, hiệu quả.
Nhằm phát huy thế mạnh nông nghiệp, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 5/8/2016 về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/01/2021 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy, đến hết quý I-2023, toàn tỉnh có 66 tổ hợp tác (THT), 68 hợp tác xã (HTX) tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Sản xuất nông nghiệp chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tham gia các liên kết ngang - dọc trong chuỗi; áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP.
Cụ thể, vùng sản xuất dừa tập trung gắn với chuỗi giá trị dừa (32 THT, 28 HTX trong vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô 5.648,6 ha). Vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản như: bưởi da xanh (7 THT, 13 HTX hình thành 20 liên kết với doanh nghiệp đầu ra); chôm chôm (3 HTX và 22 THT tham gia liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 348,4 ha); nhãn (3 HTX với diện tích 98,5 ha); xoài (xây dựng 2 liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, với tổng diện tích liên kết 54,75 ha); sầu riêng (xây dựng vùng sản xuất với tổng diện tích liên kết 208,09 ha); cây giống - hoa kiểng (có 13 HTX cây giống - hoa kiểng, diện tích 133,5 ha); lợn (duy trì hoạt động của 2 THT và 2 HTX với 134 hộ tham gia với khoảng 10.028 con); bò (duy trì hoạt động 1 THT, 03 HTX có 218 hộ tham gia với khoảng 1.600 con); tôm (phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú).
Bến Tre xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung với quy mô 5.648,6 ha.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo quy chuẩn sạch, an toàn, tập trung, xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, sản xuất sạch theo tiêu chuẫn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu…Đến nay, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP và hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 24.246 ha; trong đó, dừa 17.293 ha, cây ăn trái hơn 678 ha, thủy sản 6.275 ha. Tỉnh đã cấp mới và duy trì 28 vùng trồng được gắn 59 mã số với diện tích 550,18 ha trên bưởi, chôm chôm, xoài và sầu riêng.
Cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả được chuyển sang đối tượng nuôi, trồng mới hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả trên diện tích đất canh tác. Toàn tỉnh có 12 trang trại và có 496 THT chăn nuôi. Chăn nuôi bò, gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi heo có nhiều chuyển biến, đang thực hiện thí điểm vùng sản xuất tập trung chăn nuôi heo gắn với phát triển chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Giồng Trôm; thực hiện gắn kết với các doanh nghiệp kinh doanh đầu vào, đầu ra sản phẩm, cơ sở giết mổ, chế biến theo hướng phát triển bền vững.
Công tác quản lý chất lượng giống, thuốc, thức ăn, chế phẩm sinh học, quản lý môi trường được quan tâm thực hiện, góp phần đưa năng suất, chất lượng và hiệu quả nghề nuôi tăng qua các nămTrung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách đã được thành lập, đến nay thực hiện bình tuyển được 122 cây đầu dòng và 591 vườn cây đầu dòng, đạt 70% cây giống có nguồn gốc sản xuất từ các vườn cây đầu dòng được công nhận đủ diều kiện, đạt yêu cầu chất lượng. Đề án đầu tư phát triển Trung tâm dừa Đồng Gò - Bến Tre trở thành Trung tâm nghiên cứu, phát triển dừa mang tầm quốc gia đang hoàn chỉnh đề cương để trình Hội đồng thẩm định.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Bến Tre, việc tổ chức sản xuất, liên kết của các tổ hợp tác, hợp tác xã còn rời rạc. Mối liên kết sản xuất- tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa bền vững và thực chất, chưa thể hiện rõ hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp thu mua, chế biến hàng nông sản (trừ trái dừa) trong chuỗi đều thuộc dạng vừa và nhỏ chưa có thị trường tiêu thụ ổn định về số lượng và chất lượng, dễ bị tác động bởi các yếu tố khác. Vì vậy, các liên kết chuỗi được hình thành nhưng duy trì chưa mang tính bền vững…
Cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả được chuyển sang đối tượng nuôi, trồng mới hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của nông nghiệp nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới, về cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch thực hiện Nghị Quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh, tập trung hoàn thiện các chuỗi giá trị dừa, bưởi, chôm chôm, tôm biển gắn với vùng sản xuất tập trung; củng cố và phát triển chuỗi sản phẩm heo, bò, nhãn và cây giống - hoa kiểng thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý giống và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, siêu thâm canh, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc, chế biến và thị trường tiêu thụ…
Theo đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, Bến Tre tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của quốc gia và của tỉnh, kết hợp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nhằm tạo lòng tin của sản phẩm trên thị trường.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục xây dựng phát triển các mô hình liên kết tiêu thụ các sản phẩm lợn, bò, nhãn và cây giống-hoa kiểng lên thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh; tạo giá trị tăng thêm cho các chuỗi sản phẩm cao hơn. Cụ thể, giá trị chuỗi dừa và tôm biển đều đạt 1 tỷ USD; chuỗi bò và cây giống - hoa kiểng đều đạt 500 triệu USD vào năm 2025. Đặc biệt, địa phương xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung; trong đó, 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là 1.826 ha; 1 vùng sản xuất dừa uống nước với 20 ha. Hiện nay, các doanh nghiệp liên kết đang tổ chức thu mua và hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng.
Lê Dương
Bình luận