Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Chủ nhật, 20/10/2024 07:10
TMO - Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn.
Hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện khoảng 1.060 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng 95% ở khu vực đô thị, 79,6% ở khu vực nông thôn. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 35 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã (HTX) vệ sinh môi trường tham gia cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Ở khu vực nông thôn, nhìn chung, mạng lưới thu gom rác thải đã cơ bản bao phủ các khu dân cư tập trung của các xã, thị trấn. Việc thu gom, xử lý được thực hiện thông qua hợp đồng thuê khoán với một số doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc các tổ vệ sinh môi trường. Tỷ lệ thu gom rác thải ở nông thôn hiện đạt khoảng 76% với tần suất trung bình khoảng từ 1 - 3 ngày/lần. Trung bình hiện nay mỗi xã, thị trấn hiện có từ 1 - 2 bãi rác thải, thậm chí có địa phương hình thành bãi rác theo từng thôn, xóm, khu dân cư.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay có khoảng 232 bãi rác tạm thời với tổng diện tích khoảng 31,2 ha. Ngoài ra, đến nay toàn tỉnh có 37 lò đốt rác quy mô nhỏ (34 lò được đầu tư từ nguồn ngân sách, 3 lò từ nguồn vốn của doanh nghiệp) và 2 cơ sở đốt rác thải tập trung (Nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương và thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc). Đối với các huyện, thành phố còn lại, đến nay các địa phương vẫn chưa triển khai được các dự án đầu tư cụ thể.
Trước sự gia tăng của các nguồn thải gây áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý rác thải, đồng thời thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở 4 xã, thị trấn trên địa bàn 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên. Địa phương này đặt mục tiêu đến ngày 31/12/2024, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được phân loại tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải.
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Ảnh: BVP.
Theo đó, từ quý I đến quý IV/2024, thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và tại các Làng văn hóa kiểu mẫu, từ đó nhân rộng và thúc đẩy các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường tại khu dân cư, nơi công cộng, cơ quan...
Sau gần 4 tháng triển khai thực hiện, đến nay mô hình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở xã Liên Châu (Yên Lạc) đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Rác thải nếu không được thu gom, xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân. Do đó, sau khi được tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ men vi sinh, nhiều hộ dân trên địa bàn đã tái sử dụng rác thải hữu cơ thành phân bón cho cây trồng, vừa giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Tại huyện Vĩnh Tường, với 28 xã, thị trấn, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 170 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, khu vực đô thị là 35 tấn/ngày, khu vực nông thôn là 135 tấn/ngày. Trước tình trạng lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, chính quyền huyện Vĩnh Tường đã xác định việc phân loại rác thải tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, giảm tải áp lực lên hệ thống thu gom và xử lý rác, mà còn góp phần tái sinh tài nguyên từ rác.
UBND huyện tổ chức triển khai, ban hành các kế hoạch, văn bản thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tổ chức các chương trình, chiến dịch tăng cường phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ, hạn chế rác thải nhựa, đồ dùng một lần. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn ưu tiên bố trí kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch để tạo bước chuyển biến tích cực về môi trường, nhất là bố trí kinh phí cho việc học tập, triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ thiết bị phân loại rác; kinh phí triển khai mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.
Từ đầu năm đến nay, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tập huấn phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho gần 200 hộ dân; triển khai thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở thôn Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng và thôn Mới, xã Tân Tiến nhằm thúc đẩy các hoạt động tái chế, biến rác thải trở thành tài nguyên.
Công tác tập huấn phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn được đẩy mạnh triển khai tại các địa phương. Ảnh: BVP.
Là một trong những gia đình triển khai việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, ông Nguyễn Văn Nam (thôn Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng) cho biết: Sau khi được tuyên truyền về những lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn và được tập huấn xử lý rác thải hữu cơ, gia đình đã chủ động mua thùng ủ chuyên dụng và men vi sinh xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh để tưới cây trồng tại vườn rau của gia đình. Nhờ đó, hạn chế lượng rác thải, tạo nguồn phân vi sinh vừa rẻ vừa an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực.
Từ năm 2021 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, đề án, quy định, kế hoạch chỉ đạo tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác truyền thông về môi trường cho cán bộ chuyên môn cấp xã, cấp thôn, người thu gom chất thải rắn sinh hoạt, người dân, học sinh về việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ rác thải được phân loại tại nguồn còn thấp. Phần lớn lượng rác phát sinh được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường; một phần xử lý bằng phương pháp đốt bằng lò đốt quy mô cấp xã và tại Nhà máy xử lý rác thải ở thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc.
Với mục tiêu hết năm 2024 toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được phân loại tại nguồn, thời gian tới, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; nhất là hướng dẫn các biện pháp xử lý sau khi các hộ dân đã tổ chức phân loại.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của mô hình để từng bước thay đổi thói quen, tập quán của người dân trong việc giữ gìn môi trường, lồng ghép với các phong trào trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các xã, thị trấn, kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt để nhân rộng mô hình.../.
Lê Hồng
Bình luận