Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 18:11
Thứ sáu, 11/10/2024 07:10
TMO - Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Trên địa bàn tỉnh, ngày càng nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường.
Với diện tích tự nhiên trên 123.600ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 73,7% diện tích tự nhiên, nguồn lao động dồi dào, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ.
Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đã chủ động tham mưu tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Trên cơ sở đó, ngành đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, mô hình của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ; tổ chức tập huấn, phổ biến kỹ thuật sản xuất hữu cơ, các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các tiêu chuẩn về hữu cơ cho bà con nông dân và các tổ chức, doanh nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành hơn 4.800ha vùng sản xuất rau an toàn tại 71 xã, phường, thị trấn; 12 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả... Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã hỗ trợ 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt; 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, trong đó có 19 cơ sở sản xuất rau, quả. Riêng năm 2023, tỉnh đã kiểm tra và cấp 47 mã số vùng trồng nội địa tại các huyện, thành phố với tổng diện tích 215 ha; giám sát, duy trì 25 mã số vùng trồng, trong đó có 2 mã số cơ sở phục vụ xuất khẩu sản xuất đóng gói thạch đen và ớt.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu của ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu của ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc khi ngày càng nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các hộ gia đình. Điển hình như: Mô hình hữu cơ trên cây ba kích với 3 ha và liên kết sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng theo hướng hữu cơ trên diện tích 4 ha tại huyện Tam Đảo; mô hình trồng nho hạ đen 2 ha tại huyện Yên Lạc và huyện Bình Xuyên; mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ với 10 ha tại huyện Lập Thạch; 3 ha rau su su theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Đảo; 2 ha dưa lê theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Dương; 150 ha lúa gạo theo hướng hữu cơ tại các huyện: Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Dương và chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ với quy mô 1.500 con tại các huyện: Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch và Yên Lạc; chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ quy mô 2.000 con tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô...
Từ nhiều năm nay, các thành viên Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Định Trung, thành phố Vĩnh Yên đã quen với việc sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân vô cơ và dùng các nguyên liệu sẵn có như tỏi, ớt, gừng, rượu… chế biến thành thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dùng trong sản xuất nông nghiệp. Với diện tích hơn 3 ha, trung bình mỗi ngày HTX đang cung ứng ra thị trường 700 - 800kg rau các loại. Trong đó, 70% sản lượng rau của HTX được tiêu thụ qua các hợp đồng liên kết với các trường học, nhà hàng, khách sạn, siêu thị với giá cả ổn định, cao hơn 1,5 lần so với rau thông thường.
Thực hiện mô hình trồng ổi theo hướng hữu cơ, ông Lỗ Bá Đào, xã Đôn Nhân (Sông Lô) đã được ngành nông nghiệp hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, tỉa cành, tạo tán… đặc biệt, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giúp đất tơi xốp, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển mạnh, lá xanh dày bóng mượt và quả ổi ít ruột, cùi dày, giòn, vị ngọt đậm mà các vườn trồng ổi theo truyền thống không thể sánh bằng.
Trước đây, cây ổi chỉ cho quả 2 đợt chính trong năm là từ tháng 6 đến tháng 9 và từ tháng 11 - 12. Từ năm 2014 đến nay, người trồng ổi ở Đôn Nhân đã chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt áp dụng quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ giúp cây phục hồi, nảy chồi và cho quả quanh năm. Trung bình mỗi năm, vườn ổi gần 500 cây của gia đình cho thu hoạch từ 20 - 30 tấn quả, doanh thu đạt 200 triệu đồng.
Nông dân xã Đôn Nhân (Sông Lô) trồng ổi theo hướng hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TH.
Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ không chỉ cho hiệu quả kinh tế tăng từ 10 - 20% so với sản xuất thông thường, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn cung cấp các loại vi sinh vật hữu ích cho đất giúp phân hủy nhanh tàn dư cây trồng, cung cấp các chất hữu cơ trên đồng ruộng, cải tạo đất tốt hơn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn.
Đề án Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; áp dụng quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại; kiểm soát tốt các nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng... hướng đến phát triển nền nông nghiệp có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của sản phẩm hữu cơ tới người quản lý, người sản xuất, các doanh nghiệp và người tiêu dùng; việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, chế biến, giám sát và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao và hoạt động khuyến nông; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, có khả năng làm chủ khoa học, công nghệ, trình độ quản lý kinh tế ở các doanh nghiệp, hợp tác xã để phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm ưu thế cạnh tranh trên thị trường; gắn xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường; hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kết hợp xây dựng và quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm với các hoạt động văn hóa, du lịch...
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những xu hướng nhằm phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Hiện nay, sản xuất theo hướng này đã và đang được nhiều địa phương thực hiện. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, nếu như năm 2018 trên địa bàn cả nước có 46 địa phương tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ thì đến năm 2023 đã có 63 địa phương thực hiện.
Theo Cục Trồng trọt, để phát triển và mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần có các chính sách hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xác định vùng canh tác hữu cơ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính như: vay vốn ưu đãi, hỗ trợ thuế, và phí giảm giá cho các nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp tuần hoàn và hữu cơ; tiếp tục tư vấn cho người nông dân về các phương pháp và kỹ thuật sản xuất tuần hoàn và hữu cơ.
Đẩy nhanh việc hỗ trợ địa phương xác định các vùng bảo đảm điều kiện sản xuất hữu cơ, ưu tiên theo hướng phát triển tập trung, quy mô hàng hóa gắn với các sản phẩm lợi thế; tăng cường các hoạt động kết nối sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…/.
Lê Kiên
Bình luận