Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 05:04
Thứ hai, 07/04/2025 15:04
TMO - Tỉnh Vĩnh Long đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện thu nhập cho người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2024, việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi tiếp tục theo hướng tích cực. Nông dân, các tổ chức sản xuất (tổ hợp tác, hợp tác xã) chú trọng cơ cấu lại sản xuất lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị. Nhiều địa phương trong tỉnh đã linh hoạt sử dụng hiệu quả đất trồng lúa chuyển sang trồng màu, cây ăn trái vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
Thời gian qua, người dân các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn đã đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa sang 1 vụ lúa, 1 vụ màu hoặc lên líp trồng cây ăn trái như sầu riêng, cam, bưởi, mít, tắc, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện thu nhập.
Cụ thể, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trong năm đạt 26.727,6ha; trong đó, diện tích luân canh cây hằng năm trên đất lúa đạt 25.917,7ha, 103,7% so với kế hoạch (hay tăng 843,7ha so với năm trước). Nhiều địa phương chuyển đổi màu trên đất lúa như huyện Bình Tân, Vũng Liêm, thị xã Bình Minh cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân đạt 100-150 triệu/ha/năm, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa.
Qua chuyển đổi đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với sản lượng lớn, cung cấp cho thị trường như vùng trồng sầu riêng 2.800ha tại huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Tam Bình; vùng bưởi Năm Roi 1.400ha tại thị xã Bình Minh; vùng chôm chôm 1.300ha tại huyện Long Hồ, Trà Ôn; vùng trồng cam sành 15.000ha ở huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Tam Bình)… Bên cạnh, toàn tỉnh hiện có 297ha ao, hầm nuôi cá tra thâm canh, 1.654 lồng, bè nuôi thủy sản trên sông lớn và 973 trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm. Trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi, nuôi thủy sản được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn trong sản xuất, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu...
Mô hình trồng đậu nành trên địa bàn huyện Mang Thít.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Trà Ôn, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trên địa bàn huyện thời gian qua đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn.
Năm 2025, huyện Tam Bình tập trung duy trì và phát triển các vùng sản xuất rau màu tập trung, phấn đấu diện tích trồng rau màu đạt 6.950ha (trong đó màu ruộng 2.800ha, màu vườn 4.150ha). Vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhất là trong vụ Hè Thu và Thu Đông, gắn với xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu rau màu có giá trị như: dưa hấu, dưa leo, khổ qua, đậu các loại… Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao, có nguồn gốc và được công bố tiêu chuẩn rõ ràng để phục vụ sản xuất. Tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, giao lưu học tập kinh nghiệm giữa các nông dân với nhau.
Duy trì và mở rộng các mô hình trên địa bàn huyện như: dưa hấu ở xã Hòa Hiệp; dưa leo, rau đậu các loại ở xã Bình Ninh, Ngãi Tứ, Long Phú,... ngành chuyên môn tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân khâu chăm sóc, quản lý sâu bệnh. Tổ chức sản xuất cần tập trung, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn theo từng khu vực khép kín. Thành lập tổ hợp tác sản xuất từng loại cây màu để có nguồn hàng hóa đồng đều liên kết tiêu thụ.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự phát, chưa tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh. Việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết trong khâu tiêu thụ…
Năm 2025, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tạo ra nông sản chất lượng để đáp ứng xu thế thị trường.
Để thực hiện có hiệu quả và đạt được các mục tiêu tại kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh trong năm 2025 giải pháp trọng tâm là tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Kế đến là chuyển đổi quy mô sản xuất nhỏ lẻ cá thể sang quy mô sản xuất tập trung. Trong đó, thực hiện chuyển từ 2.100ha đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm (như sầu riêng, dừa, mít, bưởi,…), thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao năm 2025 với mục tiêu đến cuối năm 2025 đạt 3.203ha tại 4 huyện: Tam Bình, Vũng Liêm, Long Hồ và Bình Tân.
Xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đáp ứng theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, dự kiến thiết lập, quản lý mã số 1.135ha vùng trồng các loại cây chủ lực và tiềm năng để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu vào thị trường các nước như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc,…
Cùng với đó, tăng cường phát triển khoa học công nghệ - ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; linh hoạt, đổi mới công tác khuyến nông; nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mô hình điểm về nông nghiệp tuần hoàn; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trọng sản xuất như sử dụng thiết bị bay không người lái, công nghệ tưới nước tiên tiến, biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp, ứng dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ… Đồng thời tiếp tục phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.../.
Lê Thơ
Bình luận