Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 23:11
Thứ ba, 09/01/2024 15:01
TMO – Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Long sẽ định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng hiệu quả, linh hoạt đất trồng lúa, tăng diện tích các loại cây trồng có hiệu quả ở những vùng, khu vực có điều kiện. Nghiên cứu, phát triển sản xuất các giống cây trồng, từng bước trở thành trung tâm sản xuất, cung cấp giống cây trồng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu đến năm 2030, địa phương này là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
(Ảnh minh họa)
Theo Quy hoạch, ngành nông nghiệp - thủy sản tỉnh Vĩnh Long chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng hiệu quả, linh hoạt đất trồng lúa, tăng diện tích các loại cây trồng có hiệu quả ở những vùng, khu vực có điều kiện. Phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đối với sản xuất công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, đi đôi với phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đối với các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất, nước.
Tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiện khoảng 1.525 km2. Phía Bắc và Đông Bắc giáp các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; Phía Tây Bắc Đông giáp tỉnh Đồng Tháp; Phía Đông Nam giáp với tỉnh Trà Vinh; Phía Tây Nam giáp các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ.
Theo số liệu thống kê về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 2,01% so với năm 2022; trong đó khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 3,08%, khu vực III (các ngành dịch vụ) tăng 5,09%, riêng khu vực II (công nghiệp và xây dựng) giảm 6,96%. Cơ cấu kinh tế của Vĩnh Long năm 2023 có sự chuyển dịch chậm. Tổng tổng kim ngạch xuất khẩu được 760 triệu USD, đạt 101,3% kế hoạch và tăng 3,81% so với năm trước. Tổng giá trị nhập khẩu đạt 355 triệu USD, tăng 13,11% so với năm trước. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 1,62%, thấp hơn 1,18 điểm phần trăm so với số liệu tương ứng của năm 2022. CPI bình quân năm 2023 của 26/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với năm trước đã tác động làm tăng CPI chung.
MỸ KIM
Bình luận