Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 11/05/2025 10:05
Chủ nhật, 11/05/2025 07:05
TMO - Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển du lịch bởi vị trí thuận lợi về địa lý, khí hậu và điều kiện tự nhiên, bao gồm cả một đường bờ biển dài, cảnh quan hùng vĩ, văn hóa và ẩm thực phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Có thể khẳng định, du lịch là một trong những động lực chính phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển du lịch theo hướng bền vững cần tạo ra các chuỗi giá trị ‘xanh’.
Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế của người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đồng thời, là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế cũng như phát triển du lịch theo hướng bền vững, các chuyên gia cho rằng cần tạo ra chuỗi giá trị ‘xanh’. Theo đó, chuyển đổi ‘xanh’ hay xây dựng ‘điểm đến xanh’ đã trở thành một trong những hướng đi trọng tâm nhằm phát triển du lịch bền vững. Khái niệm chuyển đổi ‘xanh’ không chỉ giới hạn trong nội bộ một doanh nghiệp mà phải là sự chuyển đổi toàn diện của cả điểm đến.
Du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch sông nước.
Điểm đến là một hệ sinh thái gồm: Cơ sở lưu trú, vận chuyển, nhà hàng, điểm tham quan, hướng dẫn viên... Tất cả cùng cấu thành nên một sản phẩm du lịch tổng thể. Do đó, việc xây dựng điểm đến ‘xanh’ phải là nỗ lực đồng bộ giữa các bên, trong đó doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt. Đồng thời, người đánh giá cuối cùng chính là du khách. Khi du khách cảm nhận được sự khác biệt, thân thiện và trách nhiệm từ điểm đến, hiệu quả chuyển đổi ‘xanh’ mới thực sự rõ ràng.
Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi ‘xanh’, không thể chỉ dừng ở một vài hành động. Một doanh nghiệp muốn tham gia phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bắt đầu từ tầm nhìn của lãnh đạo. Mục tiêu ‘xanh’ phải được đưa vào chiến lược dài hạn, kế hoạch phát triển, và sau đó là triển khai đến từng bộ phận, từng nhân viên. Quan trọng hơn, cần tạo ra một “chuỗi giá trị xanh”, tức là toàn bộ hành trình của du khách đều trải nghiệm dịch vụ “xanh” một cách đồng bộ. Điều này rất khó, bởi nếu chỉ một vài mắt xích ‘xanh’ sẽ tạo cảm giác chắp vá. Xây dựng chuỗi giá trị xanh đòi hỏi sự cam kết lớn từ nhiều phía, và tinh thần đồng hành của các bên liên quan trong điểm đến.
Theo các chuyên gia, bản thân doanh nghiệp phải bắt đầu từ sự chuyển đổi thật sự từ bên trong. Nếu chỉ tham gia các chương trình mang tính hình thức, như dán nhãn ‘xanh’ nhưng nội bộ chưa chuyển đổi, hiệu quả sẽ không cao. Doanh nghiệp phải đặt mục tiêu ‘xanh’ trong chiến lược dài hạn, từ việc đầu tư vào công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.
Để phát triển du lịch ‘xanh’ bền vững, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách nhà nước, đặc biệt là những chính sách khuyến khích đầu tư vào sản phẩm ‘xanh’, hỗ trợ truyền thông, quảng bá quốc tế. Vai trò của điểm đến ‘xanh’ trong việc thu hút khách quốc tế chi tiêu cao là cực kỳ rõ ràng. Ngày nay, du khách cao cấp không chỉ tìm kiếm sự tiện nghi, mà còn quan tâm đến trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và giá trị văn hóa bản địa. Khi Việt Nam xây dựng được hình ảnh một điểm đến ‘xanh’, thân thiện, có trách nhiệm sẽ tạo dựng được lòng tin và sự yêu mến của du khách toàn cầu. Đó cũng chính là đòn bẩy để thương hiệu du lịch Việt Nam vươn tầm, cạnh tranh hiệu quả hơn trong khu vực và thế giới.
ĐOÀN VINH
Bình luận