Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 05:01
Thứ năm, 01/09/2022 05:09
TMO - Theo dự báo, năm 2022 sẽ là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo số 961/BCT-KH của Bộ Công Thương gửi các đơn vị về kịch bản điều hành và các giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2022, Bộ nhấn mạnh tới nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Bộ Công Thương cho biết, dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%); nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD. Vì vậy, nhiều khả năng cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Những kết quả đạt được cũng là cơ sở để ngành Công Thương tự tin đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 8% so với năm 2022, cán cân thương mại duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.178 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 8 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 3,96 tỷ USD.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận định những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn vì kinh tế toàn cầu đang đối mặt với lạm phát khiến sức tiêu thụ giảm. Đặc biệt, Mỹ, EU, những thị trường lớn nhất của Việt Nam, đang triển khai nhiều biện pháp kiểm soát giá cả nên người tiêu dùng cũng có xu hướng thắt lưng buộc bụng, ảnh hưởng tới việc bán hàng của các doanh nghiệp trong nước.
Vì thế, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương đang triển khai mạnh mẽ các hiệp định FTAs thế hệ mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục trong lĩnh vực này. Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước cần tập trung các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu và các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết từ các FTA.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị các đơn vị này xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hỗ trợ hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong FTA để mở rộng cũng như tìm kiếm thị trường mới; tăng cường quản lý nhập khẩu, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa bền vững.
Các đơn vị thuộc Bộ phải nắm bắt thông tin, nhu cầu và quy định mới của thị trường sở tại để kiến nghị, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành ngoại thương. Đặc biệt, phổ biến, hướng dẫn cho các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội từ thị trường nước ngoài.
Đánh giá về khả năng tận dụng các FTA để mở rộng xuất khẩu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, 15 FTA đang thực thi trở thành động lực, giúp thương mại quốc tế của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.
Theo đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bước sang năm thứ tư thực thi, tiếp tục tạo động lực giúp các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP trong 7 tháng của năm 2022 đạt gần 31,5 tỷ USD, tăng 21,43% so cùng kỳ năm 2021, vượt mức tăng xuất khẩu chung của cả nước (16,6%).
Cùng với CPTPP, việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng đạt kết quả tích cực. Xuất khẩu sang EU năm 2021 đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm 2021. Qua 8 tháng của năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2021 - mức tăng kỷ lục sang thị trường này.
Minh Phương
Bình luận