Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ bảy, 02/12/2023 19:12
TMO - Đối thoại chuyển đổi xanh và sự tham gia doanh nghiệp thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam; Xây dựng báo cáo Triển vọng Năng lượng mới...là một trong những hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai.
Thế giới đặt nhiều kỳ vọng tại COP28 (Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu) bởi COP28 với nhiều nội dung được cho là cần thiết trong bối cảnh khắp các châu lục đang phải chịu tổn thất nặng nề từ thiên tai do biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ COP28, Đoàn Việt Nam tham dự COP28 lần này với hàng loạt hoạt động bên lề tại Phòng sự kiện bên lề (Việt Nam Pavilion) nhằm giới thiệu các nỗ lực của Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đồng thời, tăng cường hợp tác với các đối tác trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị COP28.
Cụ thể, ngày 1/12, nhân sự kiện cấp cao Hội nghị COP28, tại Việt Nam Pavilion các hoạt động: Lễ trao Biên bản ghi nhớ hợp tác; Sự kiện “Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu”; Công bố Kế hoạch huy động nguồn lực JETP của Việt Nam (diễn ra tại EU Pavilion).
Ngày 3/12, diễn ra: Sự kiện “Thúc đẩy triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2030 của Việt Nam hướng tới mục tiêu thích ứng toàn cầu”; Đối thoại kinh nghiệm về quản lý phát thải khí nhà kính cấp cơ sở; Giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH - phương pháp các quốc gia sử dụng nhằm đánh giá và tăng cường năng lực triển khai Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP); Vai trò của các tổ chức tài chính trong việc thúc đẩy tài chính tăng tốc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam.
Ngày 4/12 diễn ra 4 sự kiện liên quan đến các nội dung: Huy động tài chính cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên; Tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của EU đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và những tác động trong khu vực; Thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam: Vai trò của thị trường các-bon và cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ; Xây dựng hệ thống y tế chống chịu với khí hậu ở Việt Nam.
Tại “Việt Nam Pavilion” sẽ diễn ra nhiều sự kiện nhằm giới thiệu các nỗ lực và kinh nghiệm giảm nhẹ, thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Ngày 5/12 là các hoạt động về: Chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải đường bộ; Nông nghiệp bền vững và chuyển đổi hệ thống thực phẩm; Huy động nguồn lực tài chính khí hậu, nâng cao năng lực và chuyển giao đổi mới công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu; Chuyển đổi năng lượng hướng tới Net-Zero - Nỗ lực và hành động của các bên.
Ngày 6/12 sẽ diễn ra: Đối thoại chuyển đổi xanh và sự tham gia của doanh nghiệp thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam; Xây dựng báo cáo triển vọng năng lượng mới của Việt Nam.
Ngày 8/12, tại Việt Nam Pavillon sẽ diễn ra các hoạt động trao đổi, thảo luận liên quan đến: Vai trò của thanh niên trong Chuyển đổi năng lượng công bằng và Giáo dục khí hậu tại Việt Nam; Tương lai năng lượng ở Đông Nam Á: Phát huy tiềm năng điện gió; Trình chiếu Video clip Thông điệp xanh đến COP28 của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam; Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á: Xây dựng năng lực và phát triển quan hệ đối tác vì năng lượng sạch
Ngày 9/12 là các hoạt động về: Vai trò của việc sử hiệu quả năng lượng trong làm mát để đẩy mạnh việc khử các-bon tại Việt Nam; Tác động của biến đổi khí hậu tại các đồng bằng châu Á: Tìm kiếm những giải pháp chung.
Ngày 10/12 diễn ra 2 hoạt động tại Việt Nam Pavilion là: Tăng cường thu giữ các bon xanh từ quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên biển và ven biển; Thích ứng dựa vào tự nhiên: Hướng đến các mục tiêu khí hậu và nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.
Hội nghị COP28 bắt đầu từ ngày 30/11 và dự kiến kết thúc vào ngày 12/12 tại Expo City ở Dubai, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Theo lịch, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong 2 tuần nhưng có thể được kéo dài thêm 1-2 ngày do các đại biểu tranh luận về câu chữ của tuyên bố chung. Sau COP28, các quốc gia sẽ có thời hạn đến năm 2025 để đệ trình kế hoạch mới nhằm chống biến đổi khí hậu. Điều này sẽ thực sự quyết định liệu thế giới có đang đi đúng hướng hay không.
Một số nước phát triển, đặc biệt là ở châu Âu, muốn các cam kết cứng rắn hơn như loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và muốn khí thải "đạt đỉnh" (ngừng tăng) đến năm 2025. COP28 cũng rất quan trọng đối với tài chính khí hậu. Theo đó, các nước giàu đã thực hiện lời hứa huy động 100 tỷ USD/năm để giúp nước nghèo đối phó những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ so với mức 2,4 nghìn tỷ USD/năm - mức hỗ trợ cần thiết vào năm 2030, theo ước tính mới nhất. Các bên sẽ tìm cách thống nhất đặt ra một mục tiêu mới sau năm 2025 về tài chính khí hậu. Trong những ngày đầu tiên của Hội nghị COP28, lãnh đạo các nước dự kiến đưa ra một loạt thông báo về cách giải quyết phát thải methane từ dầu và khí đốt, cách giúp nông nghiệp và sản xuất lương thực bền vững hơn, cũng như cách tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo.
LAN HƯƠNG
Bình luận