Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 11:11
Thứ tư, 12/07/2023 04:07
TMO - Hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bến Tre là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, kết quả các nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực, góp phần không nhỏ trong xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu: Đề xuất các giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển nền nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, ít nhất 80% các nhiệm vụ có kết quả được áp dụng vào thực tế xây dựng nông thôn mới, đóng góp tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%.
Ứng dụng công nghệ mới thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc Chương trình, đảm bảo ít nhất 70% mô hình triển khai trong Chương trình trên địa bàn tỉnh được tiếp tục duy trì và nhân rộng; khoảng 10.000 lượt đối tượng tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ. Tối thiểu 40% sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (sở hữu công nghiệp, giống cây trồng) tăng trung bình 25% - 30%/5 năm, so với giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững, trong đó tập trung nghiên cứu phát triển và mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung kết hợp thực hiện thâm canh, sử dụng các giống cây con và quy trình sản xuất hiệu quả tạo năng suất chất lượng cao, có sức cạnh tranh cao, có thị trường tiêu thụ; ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm được bảo hộ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm OCOP. Triển khai sớm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ: xây dựng quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “BẾN TRE” cho các sản phẩm tôm của tỉnh Bến Tre; chỉ dẫn địa lý “BẾN TRE” cho Dừa và các sản phẩm chế biến từ Dừa của tỉnh Bến Tre.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc chọn, lai tạo và sản xuất kết hợp với nhập khẩu giống, chuyển giao công nghệ để sản xuất các loại giống cây, giống con 04 sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiêu chuẩn hóa các công đoạn sản xuất kinh doanh lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi theo định hướng chuỗi liên kết phù hợp thị trường trong nước và hội nhập quốc tế đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre. Nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp và người dân chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, lồng ghép với biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu; áp dụng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.
Hàng năm, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp; nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai bằng áp dụng các công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai; xây dựng các phương án thích ứng và chủ động trước mọi tình huống. Tranh thủ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong phát triển hạ tầng nông thôn bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh và đặc điểm văn hóa truyền thống của vùng đồng bằng sông Cửu Long để tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành “nơi đáng sống”.
Xây dựng các mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, vật liệu mới; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa công tác thủy lợi để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái. Mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo kết hợp với cơ giới hóa trong sản xuất, thương mại nông lâm thủy sản và quản trị nông thôn. Ưu tiên xây dựng mô hình sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản và tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa hàng hóa gắn với liên kết chuỗi giá trị sản phẩm (nhất là các sản phẩm chủ lực) đạt tiêu chuẩn GAP phục vụ xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đối với các mô hình cải tạo vườn dừa theo hướng hữu cơ...
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, 6 tháng đầu năm 2023, Sở đã phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh cùng các đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ KH&CN về ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất chất lượng và số hóa sản phẩm OCOP, phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hoàn chỉnh bản đồ chuyên đề nông nghiệp trồng trọt tỉnh cho phép cập nhật thông tin lên bản đồ các dữ liệu đã chuẩn hóa GIS và phần mềm quản lý cây trồng nông nghiệp tích hợp trên bản đồ số.
Phần mềm đã được cài đặt và hướng dẫn sử dụng cho các hợp tác xã ứng dụng và vận hành thử nghiệm trong công tác quản lý chuỗi giá trị cây trồng trên địa bàn tỉnh tại trang web: caytrongbentre.vimap.vn. Tỉnh triển khai ứng dụng Map4D GIS Platform cho việc số hóa, quản lý nuôi tôm công nghệ cao (4.000ha), hiện đang xây dựng phần mềm số hóa, quản lý 1.900ha vùng nuôi tôm công nghệ cao nhằm hướng đến việc mở rộng phạm vi số hóa, quản lý 4.000ha nuôi chuyên canh tôm công nghệ cao theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngành chức năng đã triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng các giải pháp phát triển sản phẩm tiềm năng để được công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”, đến nay, đã khảo sát trên 100 sản phẩm tiềm năng 3 sao của các chủ thể, từ đó nâng cấp sản phẩm xây dựng bộ nhận diện OCOP, hoàn thiện bao bì, nhãn hiệu, logo đăng ký nhãn hiệu độc quyền, truy xuất nguồn gốc, in ấn tem nhãn, mã số mã vạch, QR Code. Tổ chức kết nối cho doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất OCOP tiếp cận các nhà khoa học ứng dụng công nghệ, giải pháp vào sản xuất, kinh doanh, nâng giá trị sản phẩm OCOP của tỉnh, nhất là nhóm sản phẩm chế biến OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Thời gian qua, Sở KH&CN phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đào tạo tập huấn các mô hình nuôi trùn quế với quy mô 250m2 (8 tấn trùn giống, trùn thịt 0,5 tấn, 80 tấn phân trùn); mô hình sản xuất dịch trùn quế (sản lượng 2.000 lít); mô hình sản xuất ủ phân vi sinh (60 tấn phân hữu cơ vi sinh); mô hình sản xuất cơ chất hữu cơ (20 tấn phân hữu cơ vi sinh); mô hình cải tạo vườn dừa theo hướng hữu cơ với quy mô 10ha, năng suất dự kiến đạt được 100 trái/cây/năm, giá sản phẩm bán ra cao hơn thị trường từ 10 - 15%; mô hình cải tạo vườn dừa, trồng xen dừa với cây thảo dược (cây nghệ, cây đinh lăng, cây chuối với quy mô 1ha, sản phẩm 1.200kg các loại)...
Hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh được đánh giá là tiếp tục phát triển hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng việc hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP.
PV
Bình luận