Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 04:11
Thứ bảy, 26/03/2022 13:03
TMO – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) vừa tổ chức buổi gặp mặt tổng kết 12 năm phát động phong trào Bảo tồn cây cổ thụ (Cây Di sản Việt Nam).
Theo GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh (Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam), mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng phong trào Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam ngày càng được cộng đồng hưởng ứng và phát triển mạnh.
Đến nay đã có gần 6.000 cây cổ thụ, thuộc 136 loài thực vật ở nước ta được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Qua sự kiện này, Giáo sư bày tỏ cảm ơn về sự ủng hộ của các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các ngành, địa phương và các tổ chức xã hội, đặc biệt là sự cổ vũ của các cơ quan truyền thông, sự chỉ đạo trực tiếp của VACNE, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự hưởng ứng mạnh mẽ của đồng bào trong cả nước, đồng thời kêu gọi mọi thành viên của Hội đồng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Cây đa cổ thụ 300 năm tuổi tại đền Đệ Tam, làng Đồng Dụ, xã Đăng Cương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng được công nhận Cây Di sản Việt Nam năm 2018.
Trong dịp này, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE đánh giá rất cao những đóng góp của tập thể các nhà khoa học, các Hội viên, Công tác viên và cộng đồng cho sự kiện này. Nhờ hoạt động Bảo tồn Cây Di sản, uy tin của VACNE được nâng lên nhiều mặt. Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Sinh, hội không chỉ xuất bản được 3 tập sách ảnh Cây Di sản Việt Nam; Hội đồng Cây Di sản được tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2020. Đặc biệt, nhờ hoạt động này đã góp phần không nhỏ, để VACNE được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và một vị Phó Chủ tịch của Hội được phong tặng danh hiệu Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Sinh đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động liên quan đến sự kiện này, bởi đây là một trong những hoạt động rất thiết thực của VACNE nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Một số đại biểu tham dự buổi gặp mặt cũng cho rằng, hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam trong 12 năm qua, không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn góp phần giáo dục văn hóa, lịch sử, đạo đức môi trường cho cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch. Một số đại biểu mong muốn VACNE tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt hơn công tác truyền thông, để quảng bá cho du lịch Cây Di sản phát triển và cần xuất bản thêm 01 cuốn sách nêu bật giá trị Y học của Cây Di sản nhằm tăng cường sự bảo vệ của cộng đồng đối với các nguồn gen quý hiếm.
BT
Bình luận