Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 18:11
Thứ sáu, 12/07/2024 15:07
TMO - Xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh; Xây dựng, thực hiện các đề án thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, sông Ngũ Huyện Khê... là những chương trình, dự án quan trọng được ưu tiên đầu tư trong thời gian tới để góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu chủ động phòng ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân.
Trong đó, quản lý cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường là một trong những nhiệm vụ bảo vệ môi trường quan trọng được nhấn mạnh triển khai trong thời gian tới. Để thực hiện nhiệm vụ này, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ. Chủ động kiểm soát, cảnh báo ô nhiễm môi trường nước mặt lưu vực sông liên quốc gia; phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường nước các lưu vực sông. Tập trung xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại một số lưu vực sông.
Phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước dưới đất trong hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất. Kiểm soát tác động từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường nước dưới đất. Phòng ngừa và kiểm soát các sự cố gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các nước liên quan để xử lý các vấn đề môi trường biển.
Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia nhấn mạnh tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh (Ảnh minh họa).
Xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh, đặc biệt chú trọng các đô thị lớn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí. Kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện việc di dời các cơ sở không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường của phân vùng môi trường.
Tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các cơ sở công nghiệp có nguồn khí thải lớn, như nhiệt điện, xi măng, thép, hóa chất... Điều tra, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường đất và xây dựng, triển khai kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi các khu vực đất bị ô nhiễm, các điểm tồn lưu dioxin, xăng dầu do chiến tranh để lại và hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.
Để triển khai các nhiệm vụ trên, Quy hoạch công bố 9 chương trình, dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực môi trường từ nay đến năm 2030. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì 3 dự án gồm dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường theo phân vùng môi trường, dự án tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường và đề án thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, sông Ngũ Huyện Khê.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai dự án phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên đã bị suy thoái. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao chủ trì 5 nhiệm vụ quan trọng gồm tăng cường năng lực phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh; xây dựng và nâng cấp trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II; xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Cuối cùng là cải tạo, phục hồi môi trường các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải rắn đã đóng cửa.
Lê Hưng
Bình luận