Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ năm, 23/03/2023 07:03
TMO - Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp, Tuyên Quang luôn xác định phát triển lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó địa phương này đang nỗ lực để hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, trên 448.000 ha, chiếm 76% diện tích tự nhiên, diện tích rừng hiện có trên 426.000 ha; hàng năm trồng mới trên 11.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 65,2%, đứng thứ 3 cả nước. Địa phương này đã có những bước đi mạnh mẽ, đáp ứng được đúng yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Đảng, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh.
Tổng sản phẩm GRDP ngành lâm nghiệp tỉnh đạt trên 1.750 tỷ đồng, chiếm trên 17% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm; 43.600 ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế. Công nghiệp chế biến lâm sản được duy trì, thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết, tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương, giá trị chế biến gỗ chiếm 14% giá trị công nghiệp của tỉnh.
Ngành công nghiệp chế biến lâm sản tại tỉnh được duy trì, thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết.
Từ năm 2010, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động, tích cực lập và triển khai hiệu quả quy hoạch ba loại rừng, giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để phát triển kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ rừng. Toàn tỉnh hiện có 426.204,77 ha diện tích có rừng (bao gồm cả diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng) trong đó rừng tự nhiên: 233.132,70 ha. Rừng trồng: 193.072,07 ha tỷ lệ che phủ là 65,21%.
Những năm trở lại đây, địa phương này chuyển đổi cơ cấu, giống cây lâm nghiệp, tập trung trồng những giống cây có giá trị kinh tế cao, hình thành hệ sinh thái bền vững; chăm sóc, thâm canh bằng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh tiên tiến duy trì hợp lý diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy; mở rộng diện tích rừng nguyên liệu gỗ lớn và diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Đồng thời, khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp tổng hợp trồng rừng kết hợp với trồng dược liệu, chăn nuôi, du lịch sinh thái…, xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ rừng bền vững, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường quốc tế để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung, rừng trồng nói riêng.
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm gỗ đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực về tài chính, công nghệ và thị trường đến phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến các sản phẩm giấy, gỗ cao cấp giá trị cao.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý,bảo vệ rừng và phát triển rừng, lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong những năm qua, cùng với cả nước, tỉnh Tuyên Quang đã đặc biệt quan tâm bảo vệ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, từng bước cải thiện đời sống của người làm nghề rừng. Từ năm 1991, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên gắn với đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, giống cây trồng, vật nuôi cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng; có chính sách hỗ trợ người dân tham gia cùng lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho nhân dân...
Địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng.
Nhằm tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó đề ra tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp 10%/năm; phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt hơn 89.000ha; sản lượng gỗ khai thác đạt hơn 5.500.000m3; mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) hơn 90.000ha.
Giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 12%/năm, sản lượng gỗ khai thác đạt 6.500.000m3; tiếp tục mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên 100.000ha rừng sản xuất. Đến năm 2030, giá trị thu được từ rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ 7 năm) đạt hơn 220 triệu đồng/ha; với rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) đạt trên 350 triệu đồng/ha. Phấn đấu đưa "Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ".
Để có thể xây dựng “Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ” theo định hướng tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh Tuyên Quang nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW trên địa bàn Tỉnh, quan tâm nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch bài bản, hiệu quả bảo đảm tính đồng bộ, liên thông quy hoạch giữa kinh tế - xã hội với quy hoạch rừng, lâm nghiệp với các quy hoạch khác.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách. Tập trung xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng trong thực tiễn cuộc sống. Đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện phát triển rừng bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.Thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, đất quy hoạch lâm nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng. Thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, đất quy hoạch lâm nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng…
Minh Tuấn
Bình luận