Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 00:11
Thứ bảy, 30/04/2022 05:04
TMO - Với lợi thế đất lâm nghiệp chiếm 70% diện tích tự nhiên, trong đó 50% là đất rừng sản xuất, những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng phát triển, hình thành được vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến, phấn đấu thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh có bước phát triển nổi bật. Tuyên Quang đã sớm triển khai quy hoạch phân 3 loại rừng, giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về giống cây lâm nghiệp, bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đào tạo lao động…
Tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trữ lượng gỗ nguyên liệu trên 02 triệu m3/năm, sản lượng khai thác hàng năm trên 900.000m3/năm, đứng tốp đầu trong cả nước về sản lượng khai thác. Địa phương này hàng năm trồng mới trên 11.000 ha; thực hiện công thức “trồng 2, khai thác 1” nên tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%, nhiều địa phương trong tỉnh trên 70%.
Tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh khai thác lợi thế kinh tế lâm nghiệp tạo điều kiện để mở rộng sản xuất chế biến gỗ
Tuyên Quang cũng đã thu hút được 08 nhà đầu tư liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ…
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tuyên Quang sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, khai thác có hiệu quả lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Theo đó, tỉnh thực hiện rà soát đánh giá hiệu quả sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để lập, hoàn thiện quy hoạch vùng nguyên liệu và có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp liên kết phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương.
Cùng đó, địa phương này tập trung chuyển đổi cơ cấu, giống cây lâm nghiệp, tập trung trồng những giống cây có giá trị kinh tế cao, hình thành hệ sinh thái bền vững; chăm sóc, thâm canh bằng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh tiên tiến duy trì hợp lý diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy; mở rộng diện tích rừng nguyên liệu gỗ lớn và diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Các địa phương thực hiện trồng mới, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng gỗ lớn, đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến
Đồng thời, khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp tổng hợp trồng rừng kết hợp với trồng dược liệu, chăn nuôi, du lịch sinh thái…, xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ rừng bền vững, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường quốc tế để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung, rừng trồng nói riêng,…
Tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, rà soát quy hoạch, cơ cấu lại diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, bảo đảm chặt chẽ, hợp lý, hiệu quả. Chủ động phối hợp, liên kết với các địa phương trong vùng, các doanh nghiệp chế biến phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, khai thác hiệu quả diện tích 1.584.315 ha rừng sản xuất các tỉnh vùng Đông Bắc, đảm bảo quy mô, chất lượng đáp ứng mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng có uy tín của cả nước và thị trường quốc tế…
Với quyết tâm thu hút đầu tư tốt hơn nữa, tạo mối liên kết liên hoàn trong các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh, kết nối với các địa phương trong vùng, Tuyên Quang đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng 02 tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và Tuyên Quang - Hà Giang. Nâng cấp các tuyến giao thông liên kết vùng (trục ngang, trục dọc) với các tỉnh trong khu vực, trong tâm là với Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Yên Bái, Hà Giang…
Quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp ở các vị trí thuận lợi; xây dựng hoàn thiện đường giao thông vào vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mới các dự án phát triển vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến.
Đến năm 2030, Tuyên Quang phấn đấu tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp trên 10%/năm; trồng mới trên 97.000 ha, duy trì diện tích rừng gỗ lớn trên 89.000 ha; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC 100.000 ha; sản lượng khai thác trên 1,3 triệu m3/năm, tỷ lệ che phủ của rừng trên 65%; thu nhập bình quân rừng trồng đạt 350 triệu đồng/ha.
Thu Thảo
Bình luận