Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ hai, 15/01/2024 07:01
TMO - Trung Quốc có kế hoạch thực hiện kiểm kê hằng năm về lượng phát thải khí nhà kính, trong nỗ lực đảm bảo đáp ứng các mục tiêu khí hậu.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu kiểm kê phát thải khí nhà kính hằng năm như một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng lượng khí phát thải trước năm 2030 và đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Trước đây, Trung Quốc chưa từng công bố những cập nhật hằng năm về lượng phát thải của nước này, song trình dữ liệu này với Liên Hợp Quốc 5 năm/lần.
Trong kiểm kê chính thức mới đây nhất mà Trung Quốc trình Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, liên quan dữ liệu năm 2017, lượng phát thải khí nhà kính của nước này ở mức 11,55 tỷ tấn, trong đó khí CO2 chiếm gần 80%. Lượng phát thải khí methane, chiếm gần 12% tổng lượng khí nhà kính trong năm 2017, vẫn là một thách thức lớn. Trung Quốc thừa nhận việc không thu thập đầy đủ dữ liệu cản trở nỗ lực giảm phát thải.
Trung Quốc có kế hoạch thực hiện kiểm kê hằng năm về lượng phát thải khí nhà kính.
Trung Quốc là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, chiếm 27% lượng khí thải CO2 của thế giới và 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính. Tuy nhiên, quốc gia này cũng là nhà sản xuất tấm pin mặt trời và tuabin gió lớn nhất thế giới. Riêng lĩnh vực sản xuất điện gió, các nhà sản xuất Trung Quốc đã chiếm gần 60% công suất lắp đặt trên toàn cầu vào năm ngoái, cũng như chiếm thị phần ngày càng lớn ở tấm pin mặt trời.
Năng lượng tái tạo hiện đang là một ngành kinh tế mũi nhọn của Trung Quốc, động lực tăng trưởng mới được chính quyền đầu tư mạnh mẽ với nhiều ưu đãi. Hơn nữa, quốc gia này đang thúc đẩy phát triển nhiều dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời với quy mô khủng trên các sa mạc. Trong nước, Trung Quốc đang lắp đặt năng lượng xanh với tốc độ mà thế giới chưa từng thấy. Chỉ riêng trong năm nay, quốc gia này đã xây dựng đủ công suất năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và hạt nhân để đáp ứng toàn bộ lượng điện tiêu thụ của Pháp.
Với tốc độ này, vào năm 2024, thế giới có thể chứng kiến lần đầu tiên lượng khí thải từ ngành điện của quốc gia khổng lồ về dân số này sẽ giảm xuống. Lần đầu tiên Trung Quốc vươn lên vị trí số 1 thế giới về điện gió, vượt qua châu Âu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một nửa số lượng khí thải cần cắt giảm để đạt mục tiêu net-zero năm 2050 của Trung quốc sẽ đến từ các công nghệ mới, bao gồm hydro xanh giá rẻ, năng lượng hạt,mặt trời và gió thế hệ tiếp theo, và công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon.
Minh Vân
Bình luận