Hotline: 0941068156
Thứ năm, 26/12/2024 17:12
Thứ ba, 03/12/2024 06:12
TMO - Trạm quan sát Chung Sơn (Zhongshan) - trạm quan sát khí quyển quốc gia đầu tiên của Trung Quốc tại Nam Cực đã chính thức đi vào hoạt động, việc vận hành trạm góp phần cung cấp dữ liệu khí quyển quý giá từ Nam Cực - khu vực nhạy cảm nhất đối với biến đổi khí hậu.
Việc trạm quan sát Chung Sơn (Zhongshan) của Trung Quốc tại Nam Cực chính thức đi vào hoạt động không chỉ củng cố cam kết của Trung Quốc đối với các nghiên cứu khí hậu quốc tế, mà còn đóng góp quan trọng vào việc cung cấp dữ liệu khí quyển quý giá từ một trong những khu vực nhạy cảm nhất đối với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo đó, Trạm Chung Sơn tại Nam Cực sẽ tiến hành các quan sát liên tục và dài hạn về sự thay đổi nồng độ các thành phần khí quyển ở khu vực này, từ đó cung cấp một bức tranh chính xác về tình trạng khí quyển và các đặc điểm liên quan trong khu vực.
Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, các quan sát này không chỉ giúp theo dõi biến đổi khí hậu tại Nam Cực mà còn cung cấp thông tin quý giá cho các nghiên cứu khí hậu toàn cầu. Dựa trên việc phân tích dữ liệu từ vệ tinh, các nhà khoa học phát hiện diện tích thảm thực vật tại Nam Cực đã tăng hơn 10 lần trong vòng vài chục năm qua. Với đặc thù của các vùng cực, nơi được coi là “tấm gương phản chiếu” của biến đổi khí hậu toàn cầu, dữ liệu thu thập từ trạm quan sát Chung Sơn mang giá trị khoa học đặc biệt.
Nam Cực được nhận định là khu vực nhạy cảm nhất đối với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh hoạ).
Giới nghiên cứu cho rằng các vùng cực là những nơi dễ dàng thể hiện những biến đổi của khí hậu toàn cầu, vì chúng phản ánh sự thay đổi khí hậu một cách rõ rệt hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Theo ông Đinh Minh Húc, Giám đốc Viện Biến đổi toàn cầu và Khí tượng cực của Viện Khoa học khí tượng Trung Quốc, các quan sát tại trạm này sẽ góp phần quan trọng trong việc làm sáng tỏ các đặc điểm khí quyển đặc thù của Nam Cực.
Trạm Chung Sơn được trang bị một hệ thống quan sát toàn diện, bao gồm 7 loại yếu tố khí tượng, trong đó có các thành phần quan trọng như ozone và hạt khí (aerosol). Điều này sẽ giúp thu thập một loạt dữ liệu đa dạng, phục vụ cho nghiên cứu và phân tích sâu hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trung Quốc hiện có tổng cộng 9 trạm quan sát khí quyển quốc gia chính thức được đưa vào hoạt động. Trong khi đó, 10 trạm quan sát tương tự đã được triển khai thử nghiệm trong vòng một năm (bắt đầu từ tháng 7/2024 vừa qua).
Kim Ngọc
Bình luận