Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/07/2025 02:07
Thứ tư, 23/07/2025 13:07
TMO - Việc nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng phải bảo đảm duy trì diện tích rừng, chất lượng rừng, diễn thế tự nhiên và mục đích sử dụng của khu rừng; không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất, dưới lòng đất và tuân thủ theo quy định.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 183/2025/NĐ-CP ngày 01/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó quy định chi tiết trình tự thẩm định, phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng.
Theo đó, chủ rừng nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan chuyên môn được phân công thuộc bộ, ngành đối với chủ rừng là tổ chức thuộc bộ, ngành quản lý hoặc đến Sở Nông nghiệp và Môi trường đối với chủ rừng là tổ chức thuộc địa phương quản lý. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho chủ rừng biết để hoàn thiện và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này tổ chức thẩm định bằng hình thức gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về hồ sơ và nội dung của phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều này.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến bằng văn bản gửi đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến thẩm định của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm hoàn thành thẩm định.
Trường hợp thẩm định không đạt, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản này phải thông báo bằng văn bản cho chủ rừng biết và nêu rõ lý do. Trường hợp thẩm định đạt, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, cơ quan chuyên môn được phân công thuộc bộ, ngành (đối với chủ rừng thuộc bộ, ngành quản lý) hoặc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (đối với chủ rừng thuộc địa phương quản lý) quyết định phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng theo Mẫu số 03 tại Phụ lục IB kèm theo Nghị định này. Hồ sơ trình phê duyệt gồm: Tờ trình của bộ phận tiếp nhận hồ sơ; tổng hợp ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; kết quả thẩm định và hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này.
(Ảnh minh họa).
Nội dung lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu gồm: Sự phù hợp với hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong phương án quản lý rừng bền vững khu rừng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Sự phù hợp về địa điểm, quy mô, tỷ lệ sử dụng diện tích dưới tán rừng; loài cây dược liệu dự kiến nuôi, trồng phát triển, thu hoạch; phương thức nuôi, trồng phát triển, thu hoạch; thời gian chuyển đổi vị trí nuôi, trồng phát triển cây dược liệu và dự kiến sản lượng thu hoạch, bảo đảm theo quy định tại Điều 32a, 32b Nghị định này.
Thời gian và phương thức tổ chức thực hiện; Giải pháp về bảo vệ rừng, phát triển rừng, phục hồi rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và huy động vốn, nguồn lực đầu tư; Cơ quan quyết định phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phương án. Hồ sơ, trình tự, thủ tục điều chỉnh phương án thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
Việc nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng phải bảo đảm duy trì diện tích rừng, chất lượng rừng, diễn thế tự nhiên và mục đích sử dụng của khu rừng; không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất, dưới lòng đất và tuân thủ theo quy định của Nghị định này. Cây dược liệu nuôi, trồng phát triển trong rừng có đặc điểm sinh thái thích hợp với điều kiện lập địa của khu vực, thuộc danh mục cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc các cây dược liệu khác có giá trị y tế và kinh tế cao ở địa phương do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.
Không lợi dụng hoạt động nuôi, trồng phát triển cây dược liệu để thu hoạch cây dược liệu tự nhiên trong rừng; sản phẩm cây dược liệu sau thu hoạch phải được vận chuyển ra khỏi rừng, không được ngâm, ủ, sấy, bảo quản và chế biến cây dược liệu trong rừng. Chế độ quản lý về khai thác, điều kiện, cấp mã số cơ sở trồng cấy cây dược liệu thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm trong rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp./.
Trần Nam
Bình luận