Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ bảy, 17/12/2022 05:12
TMO - Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình thoát nước, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang cho nghiên cứu thực hiện xây dựng kênh dẫn dòng nước từ sông Bồ sang sông Hương, nhằm giải quyết vấn đề thoát lũ cho vùng trũng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trận mưa từ ngày 2 - 6/12 vừa qua là đợt mưa rất to, bất thường, mấy chục năm mới xuất hiện 1 lần, phổ biến từ 350 đến 450 mm; đặc biệt một số nơi rất cao như Bạch Mã gần 1.000 mm, Thuỷ Yên 1.073 mm, Truồi 876 mm,…Riêng trong ngày 2/12, lượng mưa ghi nhận ở huyện Phú Lộc là hơn 650 mm chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, làm ngập cục bộ Quốc lộ 1A đoạn quan xã Lộc Trì, với mức ngập từ 1 - 1,2 m, khoảng 2.860 nhà dân bị ngập tầm 0,5 m. Đợt mưa lũ cuối mùa này cũng đã làm 3 người thiệt mạng.
Sở Xây dựng tỉnh nhận định, có 5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua. Theo đó, do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư một cách đồng bộ. Việc thoát nước chậm còn do địa hình bị chia cắt, thiếu sự kết nối về việc thoát nước giữa các khu vực. Bên cạnh đó, một số khu vực công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình tại khu vực đô thị thiếu giải pháp thoát nước tạm thời, trở thành các vật cản, cản trở dòng chảy dẫn đến hiện tượng ngập cục bộ.
Tình trạng ngập úng cục bộ nhất là tại các vùng trũng thấp đang ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân tại tỉnh Thừa Thiên- Huế
Các hệ thống kênh mương có thể hiện trong các đoạn quy hoạch, tuy nhiên chưa được đầu tư đồng bộ. Một số cống cửa xả ở phía hạ lưu chưa được nạo vét thường xuyên. hầu hết các đợt ngập lụt cục bộ là do mưa lớn kéo dài, mưa cực đoan với lưu lượng cực lớn. Nước mưa từ vùng thượng nguồn đổ dồn về nhanh, trong khi ở vùng đồng bằng và thành thị có nhiều vật cản, làm nước thoát ra biển chậm. Tốc độ đô thị hoá, việc san lấp các kênh thoát nước để xây dựng các khu dân cư mới cũng làm tắc nghẽn, cản trở dòng chảy.
Trong đợt mưa vừa rồi thì các hồ thủy lợi Tả Trạch và thủy điện Bình Điền (đầu nguồn sông Hương) chỉ tích nước, không xả lũ nên hạ nguồn sông Hương không bị ngập nặng. Tuy nhiên ở đầu nguồn sông Bồ, lượng mưa quá lớn khiến hồ chứa thủy lợi Hương Điền nhanh chóng đầy. Thủy điện này đã phải xả lũ 300 - 1.200 m3/s để đảm bảo an toàn và khiến hạ du con sông nước lên nhanh, gây lũ ở huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà…
Để giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ, trước mắt tỉnh cần đầu tư xây dựng các hệ thống thoát nước đồng bộ cho các khu vực dân cư. Tiến hành đầu tư hệ thống cống băng đường đảm bảo khẩu độ đủ khả năng thoát nước, tránh việc chia cắt giữa các khu vực. Yêu cầu chủ đầu tư các công trình phải có hệ thống thoát nước tạm thời. Có kế hoạch đầu tư các hệ thống kênh mương, đặc biệt là các dự án cấp bách trong các khu vực đô thị. Cần ưu tiên tiến hành nạo vét cửa xả phía hạ lưu để đảm bảo thoát nước nhanh Về lâu dài, Thừa Thiên Huế cần tiến hành rà soát, quy hoạch lại hệ thống cao độ nền cũng như đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước đảm bảo giải quyết ngập cục bộ khi trời mưa.
UBND tỉnh sẽ xây dựng đề án làm kênh thoát nước từ sông Bồ sang sông Hương nhằm cắt lũ.
Hiện tại qua theo dõi, mức độ báo động của sông Bồ và sông Hương có sự chênh lệch lớn, hơn nhau đến 1 m. Vì vậy, thời gian tới cần mở các kênh ở khu vực xã Quảng Thọ, Quảng Thành để kết nối, chuyển nước lũ giữa 2 dòng sông này. Nước trên sông Hương thoát rất nhanh, cũng thoát ra biển nhanh hơn sông Bồ, ở sông Bồ thì về đầm phá chậm hơn nhiều. Vì vậy, UBND tỉnh đang cho nghiên cứu và sẽ sớm trình HĐND tỉnh đề án thực hiện xây dựng kênh dẫn dòng nước từ sông Bồ sang sông Hương tại khu vực xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.
Về ngập lụt đô thị, hiện nay tỉnh đang giao Viện Quy hoạch xây dựng cùng các sở, ngành nghiên cứu, tìm phương án thoát lũ tối ưu cho khu vực đô thị Huế. Hiện nay, hệ thống cống ngầm của hệ thống cải thiện môi trường nước phía Nam đang dần hoàn thiện. Sắp tới khi đưa vào hoạt động, hệ thống này sẽ góp phần vào việc cắt lũ cục bộ cho đô thị Huế. Để góp phần cắt giảm lũ, các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, tổ chức nạo vét, khơi thông cống rãnh hiện trạng; nhất là tại các vị trí cửa xả nước ra sông hồ; nâng cấp các cống ngang đường khi thấy khẩu độ cống chưa đảm bảo thoát nước thuận lợi; đảm bảo hệ thống thoát nước mưa phải kết nối liên tục, thoát nước thuận lợi ra các sông, hồ hiện hữu. Kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các trường hợp lấn chiếm, san lấp và xây dựng công trình thu hẹp dòng chảy, diện tích các hồ, kênh và mương hiện trạng.
Đức Bình
Bình luận