Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 07:11
Thứ sáu, 25/11/2022 20:11
TMO – “Phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế vùng” là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ).
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ tập trung chỉ đạo thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị.
TP. Thuận An, Bình Dương. Ảnh: MH
Thứ hai, Phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng: Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao. Tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thứ ba, Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng: Tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách - phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.
Thứ tư, Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị: Phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế vùng. Chủ động, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số, sinh học, tự động hoá, vật liệu mới. Nâng cao chất lượng đội ngũ nghiên cứu khoa học - công nghệ, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.
Thứ năm, Phát triển văn hóa xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thứ sáu, Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại: Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình mới; phát huy tối đa vị thế, lợi thế về vị trí địa lý chính trị trong công tác đối ngoại để đẩy mạnh và không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển kinh tế-xã hội và giao lưu quốc tế với các nước trên thế giới, nhất là các nước tiểu vùng sông Mê Công, các nước ASEAN.
Thứ bảy, Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ thực sự trong sạch, vững mạnh.
Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu). Phía Bắc tiếp giáp với các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, là những vùng giàu tài nguyên, khoáng sản. Phía Tây và Tây-Nam giáp đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng lớn nhất về nông nghiệp của cả nước. Phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt, cũng như thuận tiện kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar theo tuyến đường bộ xuyên Á.
Đông Nam Bộ là vùng đất có địa hình rộng, thoáng, phần lớn diện tích là đồng bằng, nửa bình nguyên, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông vận tải.
Tú Quyên
Bình luận