Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 07:11
Thứ năm, 18/08/2022 22:08
TMO - Nhằm huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thảm họa động đất, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản, môi trường, UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch được ban hành cũng đồng thời tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất trên địa bàn.
Hoàn thiện hệ thống kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện. Nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất.
Người dân xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông thường xuyên hứng chịu động đất. Ảnh: Trần Hoá
Từ năm 1903 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ richter trở lên tại huyện Kon Plông và lân cận; trong đó, chỉ có hai trận động đất xảy ra vào năm 1973 độ lớn 3.9 độ Richter và năm 2015 độ lớn 3.0 độ richter. Từ tháng 4 năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận đã ghi nhận hơn 300 trận động đất có cường độ ngày càng lớn; đặc biệt ngày 18 tháng 5 năm 2022, tại huyện Kon Plông ghi nhận động đất có cường độ 4.5 độ richter.
Gần đây nhất là trận động đất có độ lớn 2,7 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km xảy ra tại huyện Kon Plông. Dự báo, trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhất là huyện Kon Plông tiếp tục có những trận động đất kích thích có cường độ và mật độ ngày càng lớn, gây sập đổ công trình, nhà ở, cầu cống, sạt lở đất gây ách tắt giao thông. Đặc biệt, có nguy cơ rạn nứt bờ đập, dẫn đến vỡ đập thủy điện, khả năng ngập nước vùng trũng, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước.
Tại Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn, UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh tới công tác phòng ngừa. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật; phổ biến kinh nghiệm, xây dựng năng lực, kỹ năng phòng tránh thảm họa động đất tạo ra sự đồng thuận giữa người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương trong việc ứng phó động đất;
Gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị với quy hoạch phát triển ngành với công tác phòng chống thiên tai bảo đảm phát triển bền vững. Có giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi, thủy điện, các nhà cao tầng và các công trình cơ sở hạ tầng khác trong mùa mưa lũ, bão, động đất và các loại hình thiên tai khác.
Viện Vật lý địa cầu nhận định động đất tại huyện Kon Plông là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Ảnh: Đ. Nhật
Nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng phó. Duy trì lực lượng, phương tiện, công cụ dụng cụ liên quan phục vụ công tác trực quan sát, giám sát, cảnh báo, xử lý và ban hành bản tin động đất; đánh giá toàn diện các nguy cơ, sự cố do thảm họa động đất gây ra, làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả; rà soát, cập nhật và xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai động đất.
Xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch, phương án ứng phó; tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập theo phương án. Rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, động đất để phục vụ công tác ứng phó thảm họa động đất phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Chuẩn bị tốt trang thiết bị, cơ sở vật chất cho huấn luyện, diễn tập; từng bước nâng cao năng lực ứng phó, cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng ứng phó thảm họa động đất;
Phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thảm họa động đất; chủ động huy động, điều phối các lực lượng để sơ tán, phòng, tránh thảm họa và cứu hộ, cứu nạn; đồng thời, có phương án khai thác, vận hành, bảo vệ an toàn các công trình lớn: Hồ chứa thủy điện, thủy lợi, hệ thống lưới điện, hệ thống giao thông.... bảo đảm khi xảy sự cố do động đất gây ra mức độ thiệt hại thấp nhất và khắc phục nhanh nhất phục vụ công tác khôi phục các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với công tác tổ chức ứng phó: Các ngành chức năng tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội và người dân tại địa phương các tin động đất. Tăng cường kết nối thông tin để nắm bắt kịp thời các diễn biến, hậu quả của động đất. Đánh giá kịp thời quy mô, diễn biến sự cố do thảm họa động đất, xác định nhanh kịch bản ứng phó hiệu quả. Tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm an toàn cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức và tài sản ra khu vực an toàn.
Huy động, điều phối các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị khẩn trương tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong các khu vực xảy ra thảm họa. Huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ, cứu trợ thiên tai, động đất; các đơn vị quân đội; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, y tế, viễn thông, xây dựng, vận tải, khai thác mỏ; các đơn vị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an ninh trật tự, giám định tư pháp hình sự; các trung tâm phối hợp, hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn... và lực lượng, phương tiện của các sở, ban ngành và cấp huyện, cấp xã...
Duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo, điều hành. Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sử dụng các mạng viễn thông phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thảm họa động đất; tăng cường sử dụng tần số ưu tiên cho các phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra thảm họa động đất bảo đảm thông suốt, không gián đoạn.
Đối với công tác khắc phục hậu quả: UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần huy động các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tiếp tục tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; nhanh chóng đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khẩn cấp; tổ chức đánh giá cụ thể thiệt hại về người, tài sản, các công trình, hạ tầng... mức độ ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhu cầu cứu trợ khẩn cấp.
Rà soát, bố trí nơi ở tạm cho những người bị mất nhà cửa, kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm, bảo đảm hậu cần, vật tư y tế cho lực lượng ứng phó và nhân dân vùng bị nạn. Thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường, tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn môi trường sống.
Đánh giá tổng hợp tình hình, thực hiện công tác chính sách, xây dựng kế hoạch, tiến hành các biện pháp hỗ trợ, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng; ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, các Sở, ban, ngành và các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh phối hợp nhằm chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do động đất gây ra.
Ngoài ra, các Sở, ban, ngành và các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh phối hợp nhằm chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do động đất gây ra trên địa bàn tỉnh.
Lê Hằng
Bình luận