Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ hai, 05/12/2022 03:12
TMO - Trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt,áp lực dân số gia tăng, phát triển kinh tế làm lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng, thành phố Cần Thơ đang nỗ lực tìm và triển khai các giải pháp quản lý hiệu quả chất thải rắn, hướng đến kinh tế tuần hoàn.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, khối lượng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố trung bình 630 tấn/ngày; khối lượng chất thải y tế được thu gom, xử lý trung bình 2,98 tấn/ngày; chất thải nguy hại phát sinh ước khoảng 30-35 tấn/ngày. Thời gian qua, TP Cần Thơ đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các loại chất thải, đến nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị lên đến 98,5%. Bên cạnh đó, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại, chất thải y tế đều được thu gom đúng quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố hướng dẫn, đôn đốc UBND 9 quận, huyện triển khai quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố; triển khai công tác đấu thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận, huyện năm 2022 và những năm tiếp theo.
Cùng với việc triển khai các giải pháp trên, thời gian qua địa phương này đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế trong thúc đẩy các giải pháp về quản lý chất thải rắn. Ðồng thời, triển khai thí điểm một số dự án trên địa bàn như dự án thu gom tự động rác nổi trên sông; mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; mô hình kinh tế tuần hoàn tại chợ nổi Cái Răng, Cồn Sơn… nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về thu gom, phân loại chất thải rắn.
Xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt là nhiệm vụ được UBND thành phố quyết liệt chỉ đạo
Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật được tổ chức thu gom. Cùng đó, từng bước tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp thông qua tận dụng phế phẩm. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, ngành Nông nghiệp thành phố không chỉ quan tâm tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không đốt bỏ rơm trên đồng mà còn tạo điều kiện để nông dân được tiếp cận các thiết bị và máy móc mới, hiệu quả trong thu gom rơm. Ðồng thời, tích cực tập huấn, hỗ trợ nông dân sử dụng rơm để phát triển thêm các hoạt động sản xuất trồng trọt và chăn nuôi nhằm tăng thu nhập hoặc bán rơm. Bên cạnh việc thu gom rơm ra khỏi ruộng lúa để phục vụ các hoạt động sản xuất và ủ làm phân bón hữu cơ, ngành Nông nghiệp cũng chú ý hướng dẫn nông dân giải pháp kỹ thuật xử lý rơm rạ ngay tại ruộng bằng các chế phẩm sinh học.
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, trong khi áp lực dân số gia tăng, phát triển kinh tế làm lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng. Theo các chuyên gia, cần thay đổi tư duy theo hướng tiếp cận mới, xem rác thải là nguồn tài nguyên, quản lý chất thải rắn cần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn được thải ra môi trường.
Tái sử dụng rơm rạ nhằm hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Khánh Trung
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rác thải trên địa bàn TP Cần Thơ, hướng đến kinh tế tuần hoàn, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, TP Cần Thơ cần xây dựng hành lang pháp lý để tăng cường phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi sản xuất; có chính sách thu hút, tạo động lực để các doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn. Bên cạnh đó, hình thành liên kết, vùng sản xuất lớn tập trung, liên kết chuỗi ngành hàng để có thể ứng dụng công nghệ mới, giải pháp tiên tiến, đầu tư đồng bộ các khâu trong chuỗi liên kết gắn với thị trường tiêu thụ; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân về phát triển kinh tế tuần hoàn…
Ngoài ra, hiện nay tại một số địa phương tại TP HCM đang triển khai ứng dụng công nghệ Phần mềm số hóa mạng lưới quản lý rác thải và thanh toán online. Thông qua phần mềm cơ quan nhà nước quản lý chủ nguồn thải, đơn vị thu gom, số lượng hợp đồng, địa chỉ phân loại rác tại nguồn cũng như thu phí thu gom và khiếu nại của người dân. Người dân được hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, đặt lịch hẹn thu gom rác… Qua đó, hỗ trợ tạo điều kiện phát triển thu gom rác, phân loại rác và tăng cường gắn kết giữa người dân, chính quyền và đơn vị thu gom rác…Các chuyên gia cho rằng TP Cần Thơ có thể nghiên cứu hiệu quả của ứng dụng từ đó mở rộng triển khai trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương, giảm áp lực cho công tác xử lý rác thải cũng như tác động tới môi trường.
Thu Trinh
Bình luận