Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ năm, 07/07/2022 11:07
TMO - Trước tác động của biến đổi khí hậu cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của các đô thị, thành phố Hồ Chí Minh đang đối diện với nhiều vấn đề môi trường cấp bách. Trong đó, tình trạng ngập úng, nước thải đô thị đòi hỏi địa phương này cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP HCM), năm 2022, thành phố còn 15 tuyến đường có thể bị ngập sau mưa, 24 tuyến đường có thể ngập trong mưa và 9 tuyến đường bị ngập do ảnh hưởng của triều cường.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố có 36 trận mưa, lượng mưa cao nhất ghi nhận được trên 100mm. Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở khu vực các quận vùng ven bị ngập, tập trung ở thành phố Thủ Đức, Quận 12, quận Gò Vấp.
Sở Xây dựng TP HCM vừa có báo cáo về kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong năm 2021 TP HCM đã xóa 3/18 điểm ngập do mưa là tuyến đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân (quận Tân Bình).
Tình trạng ngập úng sau mưa lớn đang đòi hỏi thành phố cần triển khai hiệu quả các dự án chống ngập, xử lý nước thải. Ảnh: Lê Vĩnh
Bên cạnh đó, dự án giải quyết ngập do triều cho khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đối khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỷ đồng để giải quyết 4 tuyến đường ngập do triều (đường Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn và Quốc lộ 50) đạt hơn 93% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Một số dự án trọng điểm cũng đang tiếp tục được thực hiện như dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn). Dự án này được Hội đồng nhân dân thành phố thông quan chủ trương đầu tư. Hiện dự án đang chờ Sở TN&MT cấp giấy phép môi trường để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Trong năm 2022, Sở Xây dựng đặt mục tiêu giải quyết 2 điểm ngập do mưa là tuyến đường Bàu Cát (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); cơ bản hoàn thành dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng; hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) từ công suất 141.000 m3/ngày lên 469.000 m3/ngày.
Sở Xây dựng thành phố đặt chỉ tiêu hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều cường trong năm nay. Ảnh: Kiên Cường
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được đề ra trong năm 2022, Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố xem xét, giao nhiệm vụ để điều chỉnh chủ trương đầu tư công trình "Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương – Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng" (khu dân cư Thảo Điền, TP Thủ Đức).
Ngoài ra, bổ sung danh mục trung hạn 2021-2025 và vốn năm 2022 đối với công trình "Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ" (quận Gò Vấp). Sở Xây dựng cũng kiến nghị giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và bổ sung vào danh mục trung hạn, giao vốn năm 2022 cho 7 công trình để giải quyết các điểm ngập còn lại.
Sở Xây dựng TP HCM xác định nhu cầu vốn để đầu tư các dự án chống ngập trong 5 năm tới là hơn 101.400 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố là hơn 31.400 tỉ đồng, còn lại các nguồn vốn khác từ Trung ương, xã hội hóa, ODA. Theo đó, thành phố sẽ đẩy nhanh hoàn thành dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng để giải quyết ngập cho 4 tuyến đường: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50.
Đồng thời, triển khai dự án hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (8.200 tỉ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải (lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên) và cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn.
Ngoài ra, thành phố sẽ triển khai nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (hơn 9.300 tỉ đồng); dự án cải tạo kênh Hy Vọng (gần 2.000 tỉ đồng); cải tạo các trục tiêu thoát nước chính gồm rạch Văn Thánh, Xóm Củi, Bà Lớn. Đồng thời, thành phố cũng tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết 15 tuyến trục chính thường xuyên ngập nước.
Công tác xử lý, nạo vét tại các khu vực thoát nước được thành phố chú trọng triển khai ( Ảnh minh họa)
Mới đây, tại kỳ họp số 6 HĐND TP HCM khóa X, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã trình bày tờ trình xin chủ trương đầu tư với 2 dự án cải thiện hệ thống thoát nước và thích ứng biến đổi khí hậu với tổng vốn hơn 16.000 tỉ đồng.
Cụ thể, dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn có tổng mức đầu tư 8.121 tỉ đồng. Dự án này được Ngân hàng phát triển Châu Á tài trợ với vốn vay ưu đãi hơn 6.900 tỉ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là hơn 1.100 tỉ đồng.
Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát có tổng mức đầu tư 8.168 tỉ đồng. Dự án cũng được Ngân hàng phát triển Châu Á tài trợ với vốn vay ưu đãi hơn 6.600 tỉ đồng, vốn đối ứng của thành phố là hơn 1.300 tỉ đồng.
Thời gian thực hiện 2 dự án trên dự kiến từ năm 2023 - 2028. Sau khi đi vào hoạt động, 2 dự án này sẽ góp phần cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải, tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngập nước và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cho thành phố.
Hồng Thắm
Bình luận