Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ hai, 14/03/2022 18:03
TMO - Hệ thống năng lượng kết hợp thủy điện và điện mặt trời nổi sẽ giúp giảm khoảng 47.000 tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm và hỗ trợ Thái Lan thúc đẩy sản xuất 30% năng lượng từ năng lượng tái tạo vào năm 2037.
Trên một hồ chứa tại đập Sirindhorn ở tỉnh Ubon Ratchathani, miền đông bắc Thái Lan, hơn 144.000 tấm pin mặt trời bao phủ một vùng nước rộng 720.000 m2, tương đương 70 sân bóng đá, đang chuyển đổi ánh sáng thành điện năng vào ban ngày và tạo ra thủy điện vào ban đêm. Với công suất lắp đặt lên tới 45 megawatt (MW), đây là trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất trên thế giới.
Những tấm pin mặt trời được lắp đặt trên một hồ chứa tại đập Sirindhorn ở tỉnh Ubon Ratchathani
Dự án Sirindhorn là trang trại đầu tiên trong 16 dự án tương tự mà Thái Lan có kế hoạch xây dựng vào năm 2037, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2026 mà quốc gia này đặt ra tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26.
Theo Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT), hệ thống năng lượng kết hợp thủy điện và điện mặt trời nổi sẽ giúp giảm khoảng 47.000 tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm và hỗ trợ Thái Lan thúc đẩy sản xuất 30% năng lượng từ năng lượng tái tạo vào năm 2037.
Toàn cảnh không gian dự án điện mặt trời nổi tại Thái Lan
Dự án Sirindhorn trị giá 35 triệu USD đã mất gần hai năm để xây dựng, bao gồm cả sự chậm trễ gây ra bởi Covid-19. Hầu hết lượng điện tạo ra từ trang trại được chuyển đến cơ quan điện lực Ubon Ratchathani để phân phối cho các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tại các tỉnh ở khu vực phía đông bắc Thái Lan.
Bên cạnh việc sản xuất điện, các quan chức cũng hy vọng trang trại điện mặt trời khổng lồ trên mặt nước sẽ thu hút khách du lịch. Một con đường đi bộ dài 415 m có hình dạng giống như tia nắng đã được lắp đặt để cung cấp cái nhìn toàn cảnh hồ chứa và các tấm năng lượng mặt trời.
Vũ Lan
Bình luận