Hotline: 0941068156
Thứ hai, 28/04/2025 20:04
Thứ hai, 28/04/2025 13:04
TMO - Trấn Yên là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Yên Bái, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.
Để nâng cao giá trị kinh tế cây dâu tằm, huyện Trấn Yên phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các sản phẩm chủ lực; thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung, lựa chọn các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực, từ đó tập trung các giải pháp để phát triển mở rộng quy mô diện tích, tăng tổng sản phẩm và giá trị sản xuất.
Đến nay, vùng dâu tằm đã mở rộng hơn 1.000ha ở nhiều xã dọc hai bên sông Hồng như: Tân Đồng, Báo Đáp, Thành Thịnh, Y Can, Quy Mông, Minh Quân. Một số xã vùng cao như Hưng Khánh, Hồng Ca, Lương Thịnh cũng tập trung mở rộng diện tích trên đất vườn tạp và đất bờ bãi ven suối. Những cánh đồng dâu không chỉ mang lại màu xanh cho vùng đất này, mà còn giúp cải thiện đời sống của gần 2.000 hộ dân gắn bó với nghề dâu tằm.
Huyện Trấn Yên mở rộng diện tích vùng trồng dâu trên địa bàn.
Huyện Trấn Yên cũng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Hiện toàn huyện có 12 chuỗi liên kết giữa 12 hợp tác xã với 1.100 thành viên liên kết theo chuỗi giá trị với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái để sản xuất, thu mua sản phẩm kén tằm, ươm tơ tự động, Công ty bảo đảm cam kết về giá kén cho các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia liên kết, giá kén dao động từ 150.000 đồng - 210.000 đồng/kg kén.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng vùng trồng dâu và nuôi tằm; phối hợp với các trung tâm, cơ quan, đơn vị chuyên ngành về dâu tằm tổ chức các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng dâu, nuôi tằm, xây dựng mô hình ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng lá dâu sử dụng các giống dâu mới; ứng dụng nuôi tằm 2 giai đoạn, xây dựng các mô hình nuôi tằm điểm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến...
Đến nay, toàn huyện có 1.088 hộ nuôi tằm lớn, 1.377 hộ đã sử dụng né gỗ ô vuông, 51 hộ thực hiện nuôi tằm trên giàn khay trượt, 2 hộ áp dụng mô hình nuôi tằm trong nhà điều hòa và giàn khay trượt nuôi tằm lớn tại xã Quy Mông, xã Việt Thành.
Gia đình chị Nguyễn Thị Phượng, thôn Đồng Trạng, xã Báo Đáp trồng 18 sào dâu (6.480 m2) để phục vụ lá cho việc nuôi tằm. Trước đây, gia đình chị nuôi tằm theo phương pháp cũ mất nhiều thời gian, sản lượng lại thấp. Nhưng từ năm 2021, chị Phương áp dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây dâu, nuôi tằm trên khay trượt và sử dụng né gỗ ô vuông đã giúp gia đình chị giảm công lao động, giảm tình trạng kén đôi và bán được giá cao.
Chị Phương chia sẻ, trước đây nuôi tằm chủ yếu trên sàn nhà mất nhiều diện tích, công lao động và bệnh tật nhiều. Mỗi năm chỉ thu về khoảng 60-70 triệu đồng. Hiện nay, áp dụng khay trượt giúp chị giảm công lao động, ít bệnh tật và năng suất kén cao, vòng tằm tăng lên. Một lứa tằm trước đây chỉ nuôi được khoảng 70 kg, hiện nay tăng lên 140 kg. Thu nhập tăng gấp đôi khoảng 150 triệu đồng.
Người dân đã chuyển đổi nuôi tằm sang giàn khay trượt giúp nâng cao năng suất. Ảnh: TT.
Bà Trần Thị Liễu ở thôn Trúc Đình, xã Thành Thịnh cho biết, với 1,5 mẫu (3780 m2) dâu tằm, mỗi năm gia đình bà thu được từ 600 - 700kg kén, mang lại nguồn thu hơn 120 triệu đồng. Con tằm đầu tiên người dân nuôi bằng né tre, sau khi có chương trình mới chuyển sang nuôi bằng né gỗ nên kén thu được trắng hơn, thương lái cũng thích mua hơn. Nhà nuôi tăm được dựng bằng cột bê tông, bên trên là 1 lượt cọ, 1 lượt tấm fibro xi măng và 1 lượt xốp để giảm nhiệt giúp tằm sinh trưởng tốt
Theo người dân địa phương, nuôi tằm theo kiểu cũ, người dân phải trải qua đầy đủ các công đoạn từ lúc ấp tằm trứng cho tới lúc tằm lớn và thu kén trong thời gian 21 ngày. Với kiểu nuôi này, cứ cách 1-2 giờ đồng hồ lại làm vệ sinh thay tằm sang nong khác; cách 3 giờ đồng hồ sẽ cho tằm ăn một lượt. Riêng việc hái lá dâu đã mất gần 2-3 công lao động trong nhiều giờ mới đủ cho tằm ăn.
Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết, năm 2021, Trung tâm bắt đầu thực hiện dự án khoa học về ứng dụng biện pháp kỹ thuật tổng hợp về trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện. Trong chăm sóc cây dâu, trung tâm hướng dẫn bà con sử dụng sản phẩm IMO phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây, giúp lá dâu to, dày và giảm sâu bệnh, cải tạo đất tơi xốp.
Cùng với đó, Trung tâm ứng dụng kỹ thuật trong nuôi tằm con như sử dụng giống kỹ thuật mới, áp dụng nuôi tằm con 2 giai đoạn và áp dụng nuôi tằm lớn trên khay trượt. Mô hình này tiết kiệm được 30% diện tích làm nhà tằm, giảm công chăm sóc, nuôi tằm, điều chỉnh được tiểu khí hậu trong nhà nuôi tằm như: hạn chế tình trạng nồm ẩm vụ Xuân, tưới được nước lên nền khi thời tiết nóng. Nhờ vậy, người dân ngày càng gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm. Từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình nuôi tằm 2 giai đoạn gồm nuôi tằm con tập trung và nuôi tằm lớn cho hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện Nghị quyết số 40/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển trồng dâu nuôi tằm giai đoạn 2019 - 2025, Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh về phát triển sản xuất trồng dâu, nuôi tằm liên kết theo chuỗi giá trị; huyện đã triển khai hỗ trợ 10 triệu đồng/ha cho hộ gia đình trồng mới từ 1.000 m2 dâu trở lên, hỗ trợ 50 triệu đồng xây mới nhà nuôi tằm con tập trung từ 150m2 trở lên; hỗ trợ 20 triệu đồng và 10 triệu đồng xây mới hoặc cải tạo nhà nuôi tằm lớn từ 120m2 trở lên.
Để nâng cao giá trị kinh tế cây dâu tằm, huyện Trấn Yên phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các sản phẩm chủ lực; thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung, lựa chọn các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực, từ đó tập trung các giải pháp để phát triển mở rộng quy mô diện tích, tăng tổng sản phẩm và giá trị sản xuất.../.
Lê Thành
Bình luận