Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ hai, 06/06/2022 19:06
TMO - Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 33,26 ha dừa bị sâu đầu đen tấn công gây hại.
Hiện toàn bộ diện tích dừa bị nhiễm bệnh sâu đầu đen cơ bản đã được ngành nông nghiệp khống chế bằng thuốc hóa học với hiệu quả phòng trừ đạt khoảng 60-80%. Tuy đã bị khống chế, nhưng các vườn dừa vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bị sâu đầu đen tấn công làm bùng phát và lây lan trên diện rộng.
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng ngừa sâu đầu đen gây hại, bảo vệ vùng sản xuất dừa hữu cơ do các doanh nghiệp và nông dân đang thực hiện. Đồng thời, tăng cường biện pháp quản lý sâu đầu đen bằng giải pháp sinh học để đảm bảo hiệu quả bền vững, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông đã tổ chức thả trên 04 triệu con Ong mắt đỏ để phòng trừ sâu đầu đen hại dừa tại các vườn dừa trên địa bàn hai huyện Càng Long và Tiểu Cần.
Thả ong mắt đỏ để kiểm soát sâu đầu đen.
Sâu đầu đen hại dừa là đối tượng dịch hại mới xuất hiện và rất nguy hiểm, có khả năng gây thiệt hại trên cây dừa giai đoạn sinh trưởng trên 70% và thiệt hại khoảng 80% năng suất. Khi bị sâu đầu đen tấn công, tàu dừa cháy khô từ những lá già bên dưới, dần lên các lá bên trên và các tàu lá non trên ngọn. Sâu cạp biểu bì mặt dưới lá, thải phân và nhả tơ kết thành tổ như tổ mối để trú ẩn. Khi bị động chúng chui vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất. Sâu non tấn công cả trái dừa, cây mới trồng đến cây trưởng thành, tấn công cả nhóm dừa cao và dừa lùn.
Hiện dịch hại sâu đầu đen trên cây dừa đã lây lan nhanh chóng tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Tại Trà Vinh, đầu năm 2022, đã xuất hiện sâu đầu đen trên vườn dừa của các hộ dân tại tại huyện Càng Long và huyện Tiểu Cần với diện tích thiệt hại khoảng 33,26 ha, mức gây hại từ 60 - 70%. Ngay sau khi phát hiện sâu đầu đen gây hại trên cây dừa xuất hiện trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã hướng dẫn, hỗ trợ nhà vườn xử lý tiêu hủy các tàu dừa bị hại nặng, phun xịt thuốc Ematin 60EC với hoạt chất Emamectin benzoate 60g/lít, liều lượng phun 1 lít thuốc/ha lên toàn bộ diện tích bị sâu tấn công và phun xịt thêm các vườn dừa của các hộ lân cận để tránh lây lan.
Đồng thời, để ngăn chặn sâu đầu đen lây lan, phát tán trên diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị các địa phương chỉ đạo lực lượng chuyên môn tiếp tục tuyên truyền tập huấn, hướng dẫn nông dân cách nhận diện, điều tra phát hiện sâu đầu đen gây hại và có biện pháp xử lý, ngăn chặn theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp tỉnh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai biện pháp sinh học qua giải pháp thả Ong mắt đỏ để kiểm soát sâu đầu đen bền vững trên vườn dừa, là phương pháp phòng trừ dịch hại an toàn không chỉ có giá trị giúp người nông dân phòng trừ sâu hại cây trồng tránh thiệt hại năng xuất mà còn giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tránh gây độc hại cho con người và giảm gây ô nhiễm môi trường sống.
Hoài An
Bình luận