Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/12/2024 04:12
Thứ bảy, 30/11/2024 06:11
TMO - Để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã tăng cường theo dõi sát tình hình, chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025.
Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên.
Theo dự báo nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong cao điểm mùa khô, do đó sẽ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Nhận định xâm nhập mặn trong mùa khô 2024-2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo tại tỉnh Trà Vinh, mặn có thể xâm nhập hầu hết trên các sông lớn như sông Cổ Chiên, sông Hậu nhưng thấp hơn năm 2023-2024. Cụ thể, kết quả quan trắc môi trường nước từ ngày 26 - 28/11/2024, tại một số cửa sông, cống đầu mối trên địa bàn các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải độ mặn của nước đo được từ 5 - 7‰.
Trong đó tại Cầu Kênh Đào, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, độ mặn đo được 5 ‰; tại Cầu Sông Giăng, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải độ mặn đo được 6‰; tại Cống Thâu Râu, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang độ mặn nước 7‰. Cùng với đó, thời tiết trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ đầu tháng 11 đến nay không mưa, nắng nóng trên diện rộng. Với tình hình thời tiết trên, dự báo xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm tại Trà Vinh.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây luôn diễn ra gay gắt và luôn ở mức cao.
Trà Vinh là tỉnh được dự báo chịu ảnh hưởng nặng của tác động biến đổi khí hậu về khô hạn, xâm nhập mặn, cao điểm nhất từ tháng 12 của năm trước kéo dài đến khoảng tháng 4 của năm sau. Vì vậy, để chủ động ứng phó thời tiết bất lợi, ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương khảo sát thực tế, chủ động phương án ngăn mặn, tích trữ nguồn nước ngọt để đảm bảo phục vụ cho mùa vụ sản xuất. Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành công tác thủy lợi năm 2024, với 412 công trình đào mới, nạo vét tổng chiều dài hơn 321 km mương thủy lợi; tu sửa 12 công trình bờ bao, dài 5,6 km.
Tuy rằng đã hoàn thành công tác cải tạo thủy lợi, nhưng các địa phương cần chủ động rà soát, tập trung lực lượng tháo dở các chướng ngại vật, lục bình trên các tuyến kênh thủy lợi để khơi thông dòng chảy và tích trữ nước ngọt sâu. Đối với đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi của tỉnh Trà Vinh, hiện đơn vị đã khảo sát lại hệ thống 150 kênh tạo nguồn, kênh cấp I và hơn 1.059 tuyến kênh cấp II để xây dựng kế hoạch, vận hành đúng kịch bản “đóng, mở” các cống đầu mối, lấy nước vào khi độ mặn dưới 1‰ để tích nước và đóng cống khi độ mặn từ 1‰ trở lên đảm bảo ngăn mặn xâm nhập và đủ nguồn nước ngọt trong nội đồng điều tiết nguồn nước phục vụ cho sản xuất.
Tỉnh Trà Vinh chủ động ứng phó với hạn, mặn để đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại. (Ảnh minh hoạ).
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại, nhất là trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, hiện nay tỉnh Trà Vinh đã sớm lên kế hoạch nhằm chủ động ứng phó với tình trạng xâm nhập hạn, mặn. Hiện nay, diện tích lúa Thu Đông và lúa Mùa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh khoảng 72.000 ha; trong đó, diện tích lúa Thu Đông khoảng hơn 60.000 ha đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng cần được chăm sóc, bảo vệ.
Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh yêu cầu các đơn vị trực thuộc ngoài triển khai các mặt công tác ứng phó hạn, mặn; tăng cường phối hợp các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chủ động gia cố bờ bao, bờ ruộng đảm bảo tích đỉ nguồn nước trên đồng cho cây lúa và nguồn nước tưới cho cây màu, vườn cây ăn trái.
Trà Vinh là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô, khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị thiếu nước tưới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, trước đó, vào đợt hạn, mặn mùa khô 2019 - 2020 tỉnh này đã bị thiệt hại nặng nề, ước tính thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng; trong đó cây lúa bị thiệt hại nặng nhất, với 919 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hàng chục hécta hoa màu và hơn 271ha cây ăn trái trong tỉnh cũng bị thiệt hại trên 30% diện tích. Hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020 cũng làm hàng nghìn hộ dân nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt.
Nhằm chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2023 về việc phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2023 – 2025.
Kế hoạch nhấn mạnh, cần tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chủ động trong phòng, chống, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn của người dân, nhất là việc sử dụng nước tiết kiệm, chủ động tích trữ nguồn nước để cung cấp cho nuôi thủy sản, vụ Đông Xuân và Hè Thu, đặc biệt là phục vụ cho diện tích sản xuất tôm - lúa.
Đẩy mạnh rà soát, đánh giá các tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn từ năm 2023 - 2025 đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân, trên cơ sở đó chủ động triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sát với tình hình thực tế, đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh…./.
Anh Dũng
Bình luận