Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 13:11
Thứ bảy, 03/08/2024 11:08
TMO - Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, 100% rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý tập trung của thành phố. Hiện thành phố đang có những bước chuẩn bị để đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường từ phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt.
Vừa qua, tại buổi làm việc với Bộ TN&MT về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trên sản xuất trên địa bàn, Sở TN&MT TP. HCM cho biết, ngoài khối lượng chất thải rắn có khả năng tái chế sử dụng thông qua cơ chế thị trường, mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 9.700 tấn CTRSH, 100% được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý tập trung của thành phố.
Hiện nay, khối lượng CTRSH được xử lý bằng công nghệ đốt, sản xuất phân compost, tái chế chiếm tỷ lệ 35%, còn lại 67% được chôn lấp hợp vệ sinh. Thời gian qua, thành phố đang đẩy mạnh thực hiện các dự án chuyển đổi công nghệ các nhà máy xử lý chất thải hiện hữu, kêu gọi đầu tư các dự án mới nhằm hoàn thành mục tiêu xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt ít nhất 80% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.
Hiện 100% rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý tập trung của thành phố.
Thực hiện Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP. HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, TP. HCM định hướng đầu tư 5 khu xử lý chất thải rắn. Theo nghị quyết đại hội Đảng bộ TP. HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%.
Để thực hiện mục tiêu này, TP. HCM kêu gọi 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải nhưng hiện mới có 2 dự án có quyết định chủ trương đầu tư gồm Công ty CP Vietstar (công suất 2.000 tấn/ngày) và Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày). Hiện 2 doanh nghiệp này đang làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Cùng với đó, 3 doanh nghiệp khác đang thực hiện các thủ tục pháp lý gồm Công ty CP Tasco, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam và Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP. HCM.
Về công tác phân loại, thành phố đang thực hiện phân loại thành 02 nhóm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Thành phố đang xây dựng và hoàn thiện nội dung Đề án phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn, chia thành 03 nhóm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Trong đó, đối với chất thải thực phẩm, thành phố sẽ ưu tiên phân loại, thu gom thức ăn thừa và thực phẩm hết hạn sử dụng tại hệ thống nhà hàng, khách sạn chuyển về Nhà máy xử lý rác thải Vietstar để sản xuất phân compost.
TP. HCM cũng đang có những bước chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường từ phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Trong đó, thành phố đã tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập ( chiếm 60% khối lượng thu gom). Đến nay, TP. Thủ Đức và 20/21 quận, huyện đã hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc công ty/doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
Từ năm 2021 đến nay, TP.Thủ Đức và các quận huyện đã rà soát, chuyển đổi 1.897 phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, bao gồm 956 thùng 660L và 941 xe ô tô chở rác. Hiện, Quỹ Bảo vệ môi trường thành phố đang hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi khoảng 3,6%/năm cho các dự án chuyển đổi phương tiện.
Công tác thu gom rác thải, xử lý vệ sinh môi trường TP. HCM được đẩy mạnh triển khai.
Nhằm góp phần xây dựng diện mạo khu dân cư nông thôn mới, đô thị văn minh sáng - xanh - sạch - đẹp trên toàn địa bàn, UBND TP. HCM đã ban hành quyết định triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người dân TP. HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" trong năm 2024... nhằm góp phần duy trì những giải pháp được đánh giá đạt hiệu quả để triển khai thực hiện cuộc vận động, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị trú đóng trên địa bàn;
Trong giai đoạn 2024 - 2025, TP. HCM sẽ phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu đề ra, gồm: phấn đấu 80% phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 80% trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành; 100% khu phố, ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch; tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 70% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng; 95% phường, xã, trị trấn đạt tiêu chí "Phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường".
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao các nhiệm vụ quan trọng như: chủ trì tổ chức các sự kiện truyền thông về bảo vệ môi trường cấp Thành phố, xây dựng tài liệu tuyên truyền, tổ chức các hoạt động phù hợp (tập huấn, hội thi, hội thảo, giải thưởng...) nhằm thúc đẩy các phong trào bảo vệ môi trường, tuyên dương và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, gương điển hình trong công tác bảo vệ môi trường.
Hướng dẫn UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; công tác quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và công tác đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển ép rác kín tiên tiến, hiện đại tại địa phương. Phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động các điểm tập kết rác thải, trạm trung chuyển, chất lượng vệ sinh đường phố, kênh rạch, quản lý thùng rác công cộng và nhà vệ sinh công cộng...
Sở, ban ngành khác được giao ứng với từng nhóm nhiệm vụ cụ thể, để bảo đảm chỉ tiêu đã đề ra, Công an TP. HCM cũng phải tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường, hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh môi trường. Song song đó, Công an TP. HCM cần chỉ đạo lực lượng Công an TP. Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm vi phạm về vệ sinh môi trường nơi công cộng...
TP. HCM phát sinh 15% tổng lượng CTRSSH của cả nước và 100% đã được thu gom, vận chuyển, xử lý. TP. HCM cũng đã triển khai công tác phân loại CTRSH tại nguồn, có chủ trương chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ sớm…Thời gian tới, TP. HCM cần tổ chức thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với tình hình thực tế và đặc biệt phải phù hợp với công nghệ xử lý rác đang triển khai. Vì phải đảm bảo tất cả các loại rác sau khi đã được phân loại phải được chuyển riêng đến nhà máy xử lý. TP. HCM sớm thiện Đồ án quy hoạch chất thải rắn; tập trung công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp, người dân, cơ quan nhà nước về ý nghĩa việc thực hiện phân loại rác tại nguồn…/.
Ngọc Hường
Bình luận