Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ tư, 14/08/2024 14:08
TMO - Sở Xây dựng TP. HCM đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức; Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật về tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn đối với hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra, cập nhật thông tin về tình hình sinh trưởng, phát triển của toàn bộ hệ thống cây xanh đang được giao quản lý.
Trong đó, chú trọng đến các cây xanh có kích cỡ lớn (rễ, thân, cành, tán lá), nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời (đốn hạ, trồng thay thế) các cây xanh không đảm bảo an toàn như sâu, bệnh, già cỗi, sam thân, bọng gốc, nghiêng có khả năng gãy đổ gây nguy hiểm; cành nhánh có dấu hiệu nứt, giảm neo bám vào thân chính. Cùng đó, tăng cường lấy nhánh khô, cắt mé gọn những cây có bộ tán lá lớn; chống sửa cây nghiêng.
Đối với các cây xanh nằm trong khuôn viên của các cơ quan, công sở, trường học trên địa bàn quản lý đề nghị UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị quản lý thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cây xanh và kiểm tra về công tác quản lý, chăm sóc định kỳ của đơn vị quản lý (lịch sử trồng, chăm sóc, cắt tỉa…).
Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị trước khi tiến hành những biện pháp xử lý cây xanh để đảm bảo an toàn như: Đốn hạ, cắt mé cành nhánh, hạ thấp chiều cao cây... cần tính toán kỹ lưỡng, tránh lựa chọn giải pháp không phù hợp, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây xanh.
Đảm bảo an toàn cây xanh là nhiệm vụ quan trọng nhằm hạn chế những sự cố đáng tiếc về gãy đổ cây xanh, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
Sở Xây dựng cho biết đã ban hành các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật như: Sổ tay hướng dẫn trồng và chăm sóc cây xanh; hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa cây xanh đô thị; hướng dẫn lựa chọn và trồng cây xanh đường phố trên địa bàn Thành phố và đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng (https://soxaydung.hochiminhcity.gov.vn) các đơn vị có thể truy cập để tham khảo, thực hiện. Trong trường hợp cần hỗ trợ, tham vấn ý kiến chuyên ngành đối với một số trường hợp đặc biệt, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức có thể phối hợp cùng Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật để được hỗ trợ thực hiện.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật phối hợp cùng các đơn vị duy tu có năng lực hỗ trợ UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tham vấn ý kiến trong việc kiểm tra, đảm bảo an toàn về cây xanh. Ngoài ra, cung cấp thông tin của các cá nhân, đơn vị phụ trách đến địa phương để thuận lợi cho công tác phối hợp kiểm tra, giải quyết các sự cố khi cần thiết.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay, thành phố có khoảng 235.000 cây xanh được trồng tại các công viên, tuyến đường. Trong năm 2022, có 342 cây xanh bị ngã, đổ; 438 cây bị gãy nhánh. Năm 2023, số cây ngã, đổ tăng lên 561 cây (tăng 219 cây so với năm 2022) và 670 cây nhánh (tăng 232 nhánh so với năm 2022)… Ngoài những lợi ích thiết thực cây xanh mang lại, thực tế cho thấy việc cây xanh ngã đổ, gây tai nạn vẫn xảy ra.
Còn theo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM, tại các khu vực do công ty thực hiện duy tu, chăm sóc cây xanh, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 466 sự cố liên quan đến cây xanh do mưa dông, gió mạnh. Trong đó, có 112 cây ngã đổ; 92 cây nghiêng gốc, chớm gốc; 262 cây gãy cành, nhánh. Riêng trong tháng 6, xảy ra 216 sự cố cây xanh do mưa dông, gió mạnh.
Sự cố cây xanh gãy cành gây chết người ở Công viên Tao Đàn sáng 9-8. Ảnh: PN.
Mới đây nhất, ngày 9/8 nhánh dầu đường kính 20-30 cm, dài 10 m ở công viên Tao Đàn, quận 1, gãy rơi xuống khiến 2 người thiệt mạng, 3 người bị thương. Trước đó tháng 4/2023, cây me lớn một người ôm ở sân trường THPT Trần Văn Ơn, quận 1, bất ngờ bật gốc đè 6 người bị thương.
Sau sự cố nhánh cây rơi ở công viên Tao Đàn, ngày 13/8 Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đã sử dụng flycam để hỗ trợ kiểm tra, đánh giá tình hình cây xanh trong công viên; đồng thời thuê 2 xe nâng loại 35 - 40 m để thực hiện thu gom, cắt tỉa cây xanh.
Việc dùng thiết bị flycam là để ghi nhận, đánh giá ban đầu, sau đó đơn vị này sẽ phân tích bằng những kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, quản lý; đồng thời mời các chuyên gia về cây xanh phân tích thêm. Đối với các cây cổ thụ cao lớn, ngoài việc thường xuyên chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra những khiếm khuyết của cây xanh để có những biện pháp kỹ thuật tác động kịp thời, giảm thiểu sự cố thấp nhất cho cộng đồng.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong chương trình Phát triển công viên và cây xanh đô thị trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2030 đã được UBND TP.HCM ban hành, mục tiêu đối với hệ thống cây xanh đô thị là an toàn, mỹ quan và bền vững. Sở Xây dựng cho hay những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu trên gồm: Rà soát, định hướng chủng loài cây trồng ở các tuyến đường; tổ chức chỉnh trang hệ thống cây xanh đường phố; xây dựng cơ sở dữ liệu cây xanh; xây dựng, điều chỉnh một số hướng dẫn, quy định kỹ thuật chuyên ngành.
Ngoài ra, xác định loài cây xanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của TP.HCM, trong đó tập trung lựa chọn các loài phù hợp với không gian hẹp. Nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, phát triển của một số loài cây xanh để lựa chọn loài cây trồng phù hợp điều kiện, đặc điểm, mục tiêu của từng khu vực cần thiết...cũng là một trong nhiều nội dung quan trọng của chương trình.
Thu Trang
Bình luận