Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ bảy, 21/09/2024 06:09
TMO - TP. HCM có hơn 100 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy, tuy nhiên tình trạng rác thải, lục bình, rong cỏ xuất hiện nhiều đã gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực này.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chất thải phát sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đó là sức ép rất lớn lên sức khỏe người dân và môi trường sống. Mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 68.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó TP. HCM và Hà Nội chiếm gần 1/3. Tuy nhiên, năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý mới đạt 88,34%, còn gần 12% chưa được thu gom và xử lý. Đây chính là nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ phát tán vào sông, kênh, rạch.
Thời gian qua, cả nước đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp như biến chất thải thành nguồn tài nguyên, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế của đất nước; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ chất thải… Từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ chất thải phải chôn lấp giảm từ 75% năm 2020 xuống còn 62%; xử lý bằng phương pháp đốt có phát điện là 10,25%; xử lý chất thải thực phẩm thành mùn, phân hữu cơ chiếm 16,15% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt.
Rác thải, lục bình dưới tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ ở TP.HCM. Ảnh: NC.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, thành phố có 101 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy bao gồm tuyến đường thủy nội địa và tuyến hàng hải (tổng chiều dài hơn 910 km). Tuy nhiên, rác thải, lục bình, rong cỏ xuất hiện nhiều trên các tuyến sông, kênh, rạch làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy, gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy.
TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường sông kênh rạch gắn với triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030 và Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về cuộc vận động người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch vì TP.HCM sạch, xanh và thân thiện môi trường, đạt được một số kết quả tích cực.
Từ năm 2019, thành phố thực hiện công tác vớt rác, lục bình, rong cỏ trên 5 tuyến đường thủy như: Tàu Hủ, Bến Nghé, Kênh Đôi, kênh Tẻ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công nghệ vớt thủ công, chủ yếu dựa vào sức lao động con người kết hợp với một số thiết bị nâng cẩu. Tuy nhiên, với công nghệ vớt còn phụ thuộc nhiều vào thủ công nên hiệu quả chưa cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân vớt rác.
Cũng từ năm 2020, thành phố ứng dụng phương tiện, công nghệ hiện đại để tổ chức thực hiện thí điểm vớt rác trên tuyến sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương và sông Sài Gòn. Việc sử dụng thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại đem lại hiệu quả cao, nâng cao năng suất lao động, vớt được các mảng rác lớn, có kích thước cồng kềnh. Kết quả thực hiện vớt đạt trung bình 30 tấn rác mỗi ngày. Tuy nhiên, tình trạng thải bỏ rác bừa bãi ra đường phố, kênh rạch chưa được giải quyết một cách triệt để.
Vớt rác thải ở thượng nguồn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, để đạt các mục tiêu về cải thiện chất lượng môi trường sông, kênh, rạch thì việc kiểm soát nguồn thải, bao gồm thu gom, xử lý nước thải, rác thải đô thị là nhiệm vụ Thành phố hiện đang nỗ lực thực hiện. Đối với vấn đề rác thải trên sông, kênh, rạch, một mặt, Thành phố tăng cường các giải pháp ngăn ngừa xả thải bừa bãi, duy trì thường xuyên công tác thu gom, xử lý rác thải trên sông, kênh, rạch.
Ngoài ra, Thành phố đặt trọng tâm triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải từ nguồn, từng bước chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn, đảm bảo 100% rác thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân loại chất thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn đối với chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa.../.
Thu Minh
Bình luận