Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 02:01
Thứ sáu, 04/10/2024 10:10
TMO – TP. HCM sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị và kêu gọi người dân tham gia mua ủng hộ, cùng đóng góp kinh phí triển khai dự án. Cơ quan chức năng sẽ tính toán kỹ lưỡng để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến metro, kết hợp với tác động tích cực của dự án lên kinh tế, xã hội nhằm mang lại nguồn kinh phí tốt, trả lại lợi ích cho người dân.
Nội dung trên được lãnh đạo UBND TP. HCM nêu trong Phiên đối thoại với đại biểu Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. HCM vào sáng 3/10. Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, một trong những mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2026-2030 là hoàn thành 183 km metro từ nay đến năm 2035, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 35 tỷ USD.
Lãnh đạo UBND TP. HCM cho biết, TP. HCM sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị và kêu gọi người dân tham gia mua ủng hộ, cùng đóng góp kinh phí triển khai dự án. Cơ quan chức năng sẽ tính toán kỹ lưỡng để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến metro, kết hợp với tác động tích cực của dự án lên kinh tế, xã hội nhằm mang lại nguồn kinh phí tốt, trả lại lợi ích cho người dân. Người dân gửi tiền vào ngân hàng có thể lãi suất cao hơn nhưng mua trái phiếu là cùng đóng góp xây dựng thành phố. Việc phát hành trái phiếu đường sắt là một trong những giải pháp đột phá, giúp huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng, tái cấu trúc không gian đô thị.
TP. HCM kêu gọi người dân mua trái phiếu cùng làm metro. Ảnh minh họa.
TP. HCM được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) với tổng chiều dài khoảng 220 km. Hiện, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương với tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ nguồn vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư và đang ở bước xây dựng, hoàn thiện đề án.
Chính thức vận hành thử metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên)
Liên quan đến thời hạn đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vào khai thác vận hành, ngày 2/10, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) cho biết, tuyến metro số 1 đã chính thức tiến hành vận hành thử (trial run) sau thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành cho nhân viên Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1).
Theo MAUR, việc vận hành thử (trial run) sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn (giai đoạn 1 được chủ trì bởi các chuyên gia tư vấn của Nhật Bản, giai đoạn 2 sẽ được thực hiện bởi nhân viên của Công ty HURC1). Việc vận hành thử được tiến hành từ ngày 2/10 đến ngày 17-11 với 47 kịch bản khác nhau, từ việc vận hành thông thường cho đến các tình huống khẩn cấp, như: Cháy, nổ, mất điện, ngập nước, mất tín hiệu,… ở các vị trí khác nhau trên phạm vi toàn tuyến metro số 1. Trong quá trình vận hành thử, các đoàn tàu sẽ chạy giống như vận hành thương mại sau này với khoảng cách giữa các chuyến tàu là 4 phút 30 giây/chuyến.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm 2024.
Nhân viên vận hành của tất cả các vị trí đều được huy động, bao gồm: Nhân viên lái tàu, điều độ ở trung tâm điều khiển (OCC), nhân viên ở các nhà ga… Tổng cộng có 71 nhân viên tham gia vận hành thử trong mỗi ca làm việc. Dự kiến, mỗi ngày có 2 ca làm việc. Song song với quá trình vận hành thử, các chuyên gia tư vấn đánh giá an toàn hệ thống BVT (Liên danh Bureau Veritas của Pháp và TEDI của Việt Nam) sẽ tiến hành theo dõi, chứng kiến và đánh giá sự thành thạo của các nhân viên Công ty HURC1 trong các tình huống khẩn cấp.
Dự kiến, từ ngày 18 đến 30/11, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sẽ hoàn thành các báo cáo đánh giá an toàn để trình nộp cho Cục Đường sắt thực hiện công tác thẩm định an toàn theo quy định của Luật Đường sắt. Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng sẽ tiến hành nghiệm thu để chấp thuận đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại, dự kiến trong tháng 12/2024.
TP. HCM và Hà Nội là 2 đô thị lớn nhất cả nước, đồng thời cũng là 2 địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế-xã hội với dân số khoảng hơn 17 triệu người. Tuy nhiên, trước áp lực phát triển kinh tế, TP. HCM và Hà Nội đang đối diện với không ít thách thức về giao thông, hạ tầng đô thị, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng (điểm nhấn là tàu điện trên cao) được kỳ vọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, giảm phát thải, hướng đến mục tiêu đưa TP. HCM và Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, thân thiện môi trường.
PHƯƠNG ĐIỀN
Bình luận