Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 05:01
Thứ hai, 13/06/2022 11:06
TMO - Tỉnh ủy Khánh Hòa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh giải quyết thông tin báo chí phản ánh việc suy giảm rạn san hô tại Khu bảo tồn Hòn Mun, thành phố Nha Trang.
Ngày 12/6, Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa có Công văn số 1497-CV/TU truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy về các nội dung mà báo chí phản ánh xung quanh việc suy giảm rạn san hô tại Khu bảo tồn Hòn Mun và báo cáo kết quả trước ngày 19/6/2022.
Cụ thể, những ngày qua, báo chí liên tục phản ánh về hệ sinh thái dưới đáy biển Khu bảo tồn biển Hòn Mun do Ban Quản lý Vịnh Nha Trang quản lý có tình trạng xơ xác, tan hoang. Hàng loạt rạn san hô bị chết trắng dưới đáy biển.
Điều này cũng đang đẩy nhiều loại cá quý hiếm của vùng biển Việt Nam vào báo động đỏ, bởi theo các nhà nghiên cứu, trong hệ sinh thái biển, rạn san hô đóng vai trò hết sức quan trọng, là ngôi nhà trú ẩn, lẩn trốn những kẻ săn mồi và là nơi sinh sản của hơn 4.000 loài cá nhiệt đới hoặc cá chuyên sống trong rạn san hô.
Trước phản ánh trên, Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu UBND tỉnh phải có đánh giá thực chất tình trạng công tác bảo tồn rạn san hô tại đây, làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục và phải phải hoàn thành trong báo cáo kết quả.
Hệ sinh thái san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun chết trắng phủ đáy biển. Ảnh: Xuân Hoát
Những ngày qua, trước thông tin, hình ảnh hệ sinh thái dưới đáy biển Hòn Mun trở nên tan hoang được đăng tải. Ban Quản lý Vịnh Nha Trang cho rằng: Sự suy thoái rạn san hô là kết quả của nhiều yếu tố tác động như: Tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài địch hại là các yếu tố ảnh hưởng rất nặng đến sức khỏe hệ sinh thái.
Ngoài ra, cơn bão số 12 Damrey tháng 11-2017 và cơn bão số 9 năm 2021 đổ bộ vào Nha Trang-Khánh Hòa không chỉ gây thiệt hại về người và của trên đất liền mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới rạn san hô nằm sâu dưới Vịnh Nha Trang.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hệ sinh thái biển ở đây bị tổn thương nghiêm trọng là do vấn nạn khai thác san hô trái phép. Một số du khách, người dân có thú chơi sinh vật cảnh và thường lấy san hô trang trí trong những hồ cá, cây cảnh, hòn non bộ…Chính vì vậy đã gián tiếp thúc đẩy san hô bị hủy hoại dần mòn.
Bên cạnh đó, dầu nhớt của những chiếc tàu neo đậu được xả ra trên biển cũng gây ô nhiễm môi trường biển và khiến san hô chết. Hòn Mun là điểm du lich thu hút nhiêu du khách ghé tới, trong những chuyến tham quan vui chơi, du khách thường “tiện tay” xả nhiều loại rác thải xuống biển khiến các rạn san hô bị tẩy trắng.
Các chuyên gia cho biết, việc khôi phục san hô ở Hòn Mun là điều không hề đơn giản. San hô cần được bảo tồn vì chúng phát triển rất chậm, để nuôi được một rạn san hô có khi phải mất tới hàng nghìn năm đề hình thành hoàn chỉnh. Chính quyền địa phương cần phải triển khai nhiều giải pháp để khắc phục. Trước tiên nên tạm dừng các hoạt động dịch vụ kinh tế ảnh hưởng đến rạn san hô để hệ sinh thái tại đây có thời gian phục hồi.
Liên Đăng
Bình luận