Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ năm, 27/07/2023 15:07
TMO - Việc chuẩn bị và hướng tới thị trường carbon tự nguyện sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống quản lý hành chính cũng như bán được carbon trong khi các thỏa thuận quốc tế về thị trường bắt buộc còn đang được thảo luận chưa đi đến thống nhất.
Theo các chuyên gia, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, thì mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD. Không chỉ vậy, hiện nay, Việt Nam đang theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh đồng thời với cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 sẽ tạo ra quy mô thị trường carbon rất lớn, trị giá hàng tỷ USD, mở ra một ngành kinh doanh mới. Tuy nhiên để những tính toán trên trở thành hiện thực đòi hỏi nhiều hỗ trợ từ các cơ quan hữu quan về mặt cơ chế, chính sách để khai thác tối đa tiềm năng của lĩnh vực.
Hiện tỉnh Quảng Nam đang được Chính phủ đồng ý lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon (CO2) rừng với thời gian thí điểm dự án 5 năm (2021-2025). Theo đề án, UBND tỉnh Quảng Nam dự tính xuất khẩu 5,2 triệu tín chỉ carbon rừng trong giai đoạn (2021-2025). Giá bán ít nhất 5 USD/tấn CO2, mang lại cho tỉnh Quảng Nam với nguồn thu từ 110 tỷ đến 130 tỷ đồng/năm, cao hơn với nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, bằng 2-2,5 lần đầu tư ngân sách hàng năm của Trung ương và địa phương vào lâm nghiệp.
Nếu đề án được triển khai hiệu quả thì cũng sẽ giúp tỉnh Quảng Nam giữ nguyên 466.113 ha diện tích rừng tự nhiên hiện có, trong vòng 10 năm từ 2021 - 2030 sẽ tăng lên 20%, vào năm 2025 sẽ tăng lên khoảng 61% độ che phủ rừng. Sản lượng 50.5864 ha thực hiện vào việc trồng rừng, phục hồi rừng và làm giàu rừng sẽ đạt khoảng 7 triệu/m3 gỗ vào năm 2030, làm giảm phát thải 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030.
Ảnh minh họa.
Theo chuyên gia, việc phát triển thị trường carbon sẽ giúp tạo ra sinh kế của người dân, chủ rừng và đồng thời thực hiện mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng. Trong tương lai rất gần, sẽ có những người dân, nhóm hộ gia đình, hợp tác xã vùng rừng núi kinh doanh thương mại, môi giới đầu tư tín chỉ carbon rừng, tạo ra bước phát triển chưa từng có trong lâm nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải thay đổi cách nhìn, quan điểm về giá trị kinh tế của rừng. Thực tế, rừng không chỉ có giá trị ở gỗ, lâm sản, cảnh quan mà còn có thể khai thác giá trị bảo tồn và cả tín chỉ carbon. Tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon là rất lớn nhưng mới chỉ ở giai đoạn thí điểm, cần phải có kế hoạch cụ thể để giữ rừng, làm giàu rừng, tăng hấp thụ carbon rừng, đảm bảo có “hàng” để đem bán và đạt được mục tiêu tham gia thị trường này một cách mạnh mẽ hơn.
Đồng thời, đi đôi với những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, các nhà hoạch định chính sách cần tạo ra cơ sở pháp lý, thúc đẩy thị trường carbon minh bạch hoá, khuyến khích các chủ rừng tham gia bảo vệ, làm giàu rừng. Đặc biệt, cần có các chính sách về quyền carbon như quyền sở hữu lượng carbon tích luỹ của rừng; quyền chuyển giao, chuyển nhượng, mua bán và quyền hưởng lợi, từ đó mới thúc đẩy được bảo vệ rừng gắn với tạo giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, cần tạo kênh đàm phán, thương mại, thúc đẩy thị trường này.
Thực tế thị trường tín chỉ carbon rừng mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu tại Việt Nam và vẫn còn những lúng túng nhất định trong triển khai. Một trong những câu hỏi được đặt ra đó là Việt Nam nên hướng tới thị trường carbon bắt buộc hay tự nguyện (?). Báo cáo của Tổ chức nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) được công bố gần đây cho thấy, trong tương lai các quốc gia đều phải phát triển và hướng tới cả hai thị trường này. Việc chuẩn bị và hướng tới thị trường carbon tự nguyện sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống quản lý hành chính cũng như bán được carbon trong khi các thỏa thuận quốc tế về thị trường bắt buộc còn đang được thảo luận chưa đi đến thống nhất. Ngoài ra, các dự án của ngành lâm nghiệp liên quan trồng mới rừng, tái trồng rừng và giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng thường dễ dàng thực hiện hơn, có nhu cầu lớn hơn và có nhiều người mua hơn trong thị trường carbon tự nguyện.
Việc tham gia vào thị trường cũng là yếu tố bắt buộc để Việt Nam và các nước đạt được mục tiêu đề ra của Thỏa Thuận Paris cũng như giúp Việt Nam tiếp cận với nguồn tài chính quốc tế. Tuy nhiên điều này đòi hỏi Việt Nam phải có sự nhất quán về phương pháp và quy trình quốc tế thông qua bởi các bên tham gia thỏa thuận Paris, đồng thời xây dựng quy trình chính sách mới như các nước đã xây dựng với thị trường carbon nội địa bắt buộc của mình.
QUỐC DŨNG
Bình luận