Hotline: 0941068156
Thứ năm, 26/12/2024 18:12
Thứ hai, 23/12/2024 05:12
TMO - Ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang đã khuyến cáo nông dân dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống tập trung, né rầy, tăng cường quản lý sâu bệnh…Nhờ đó đã hạn chế được thiệt hại xảy ra giúp năng suất lúa đạt cao, người dân thu được lợi nhuận khá, nông dân Tiền Giang phấn khởi khi lúa Thu Đông được mùa, được giá.
Theo đánh giá của các địa phương tại tỉnh Tiền Giang, vào thời điểm thu hoạch rộ vụ Thu Đông trên địa bàn, giá lúa thương lái thu mua vẫn duy trì ở mức cao, nông dân thu lợi nhuận khá. Các giống lúa chủ lực được gieo sạ trong vụ Thu Đông: Đài Thơm 8, OM 5451, VD 20… đều có giá từ 7.700 đồng/kg đến khoảng 8.100 đồng/kg; trong đó, cao nhất là Đài Thơm 8 được thương lái thu mua giá 8.100 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong vụ Thu Đông năm 2024, nông dân các huyện vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thành phố Gò Công xuống giống trên 12.500 ha. Đến giữa tháng 12, nông dân đã cơ bản thu hoạch toàn bộ diện tích với năng suất đạt từ 59 - 60 tạ/ha và sản lượng cả vụ ước đạt khoảng 75.000 tấn lúa hàng hóa. Nhằm thiết thực tạo điều kiện cho các địa phương canh tác vụ Thu Đông 2024 thắng lợi, bội thu, Tiền Giang hướng nông dân sử dụng 100% giống lúa thơm, lúa chất lượng cao có khả năng chống chịu hạn, mặn tốt như: OM 5451, Đài Thơm 8, VD 20…
Bên cạnh đó, tích cực chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn nông dân quy trình thâm canh theo Ba giảm Ba tăng, 1 phải 5 giảm, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả giảm chi phí sản xuất vừa đạt năng suất, sản lượng cao, tăng thêm lợi nhuận và bảo vệ môi sinh, môi trường. Ngoài ra, việc cơ giới hóa các khâu sản xuất từ làm đất, gieo sạ, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch được đẩy mạnh cũng giúp các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thành phố Gò Công đảm bảo tổ chức sản xuất vụ Thu Đông năm nay thắng lợi.
Rút kinh nghiệm ứng phó hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai những năm trước đây, trong năm 2024, tỉnh triển khai nhiều giải pháp thích hợp nhằm đảm bảo nông dân giành các vụ canh tác bội thu, thắng lợi, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống theo hướng tổ chức lại sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.
Cụ thể là chủ động tổ chức lấy ngọt trữ trong nội đồng qua cống đầu mối Xuân Hòa, xác định các địa bàn trọng điểm sản xuất lúa vụ Thu Đông trong vùng ngọt hóa Gò Công mang lại hiệu quả; chuyển đổi cây trồng tại những địa bàn khó khăn, xa nguồn nước nhằm giảm nhẹ thiên tai đối với các địa bàn ven biển phía Đông tỉnh.
Năng suất lúa Thu Đông 2024 tỉnh Tiền Giang đạt từ 59 - 60 tạ/ha. (Ảnh minh hoạ).
Theo chia sẻ từ một số người dân thuộc xã Yên Luông, (huyện Gò Công Tây) trong vụ Thu Đông, với diện tích canh tác 4.000 m2 đất giống lúa Đài Thơm 8, ruộng của người dân đạt sản lượng khoảng 24 tạ/4.000 m2, tương đương 60 tạ/ha, thương lái thu mua giá 8.100 đồng/kg, sau khi trừ chi phí bà lãi khoảng 8 triệu đồng. Uớc tính bình quân, mỗi ha lúa vụ Thu Đông 2024, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi khoảng 40 triệu đồng/ha.
Hiện nay, cùng với thu hoạch dứt điểm vụ Thu Đông, nông dân các huyện, thành phố kể trên đang khẩn trương làm đất, chuẩn bị xuống giống tiếp vụ Đông Xuân 2024 – 2025 cho kịp thời vụ theo lịch gieo sạ tập trung, đồng loạt né rầy đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phân bố cho từng khu vực cụ thể. Trong đó, đinh hướng cho vùng phía Đông tỉnh là phải tập trung khẩn trương hoàn thành xuống giống trong tháng 12/2024, đảm bảo thu hoạch an toàn, phòng, tránh được hạn mặn gây hại trong mùa khô 2025 tới.
Năm 2024, do ảnh hưởng của tình hình hạn, mặn mùa khô năm 2023 - 2024 nên nông dân các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang xuống giống vụ Hè Thu trễ hơn những năm trước. Do đó, dẫn đến việc thu hoạch vụ lúa Thu Đông trễ hơn nhiều năm. Do đó, để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân an toàn, thời điểm này, nông dân đang rất tập trung, khẩn trương để gieo sạ lại.
Để vụ lúa Đông Xuân phát triển thuận lợi, người dân cần chọn các giống lúa cho năng suất cao, khả năng chịu hạn mặn cao. Các địa phương trong khu vực ngọt hóa Gò Công cũng chủ động làm thủy lợi nội đồng đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt cho vụ mùa tới.
Bên cạnh đó,ngành nông nghiệp Tiền Giang khuyến cáo, nông dân cần áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như IPM, IPHM, ngập khô xen kẽ, bón phân cân đối hạn chế tối đa việc bón thừa phân đạm,… nhằm giúp cho cây lúa phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh, chống chịu tốt các loại dịch hại và hạn chế đổ ngã…
Đồng thời nông dân cần phải thực hiện đồng bộ các công việc cụ thể như: gia cố đê bao, cống đập vững chắc, đào rãnh thoát nước tạo điều kiện thuận lợi để chủ động rút nước kịp thời khi có mưa to, đối với những mảnh ruộng không chủ động nguồn nước thì phải chuẩn bị sẵn máy bơm để thoát nước khi cần thiết.
Ngành chức năng cũng khuyến cáo thêm, đối với diện tích nhiễm lúa cỏ có chiều hướng tăng nhanh qua các vụ lúa, người dân cần làm đất thật kỹ trước khi xuống giống để tránh thiệt hại đến năng suất lúa Đông Xuân sắp tới.
Quốc Hải
Bình luận