Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 22:02
Thứ năm, 20/02/2025 06:02
TMO - Thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh Sóc Trăng thường xuyên nắm tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Qua đó, kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý những vi phạm về môi trường tại các địa phương.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp là hoạt động phổ biến ở Việt Nam. Sản xuất nông nghiệp gồm các hoạt động cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, người dân sử dụng nhiều hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý… gây ra những tác động nặng nề, làm ô nhiễm đất và nguồn nước.
Ngoài ra, trong quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp còn gây nên xói mòn ở các triền dốc thuộc vùng đồi núi, khai hoang mở rộng diện tích đất rừng. Chính vì thế, muốn bảo vệ môi trường thì cần phải tuân theo các quy định chặt chẽ của pháp luật, thực hiện các giải pháp thực tiễn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp được đơn vị quan tâm tập trung chỉ đạo.
Với nhiều phương pháp, hình thức đa dạng, phong phú, tham mưu đưa các nội dung thực thi chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nội dung thuộc trách nhiệm của chính quyền cơ sở và hộ gia đình vào các Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao được cụ thể hóa thực hiện trên địa bàn tỉnh…Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng còn lồng ghép các nội dung thực thi chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường thành các nội dung, cách làm cụ thể trong chính sách tuyên truyền, vận động nhân dân, đến từng hộ gia đình tham gia xây dựng nông thôn mới.
Sở cũng đã tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề triển khai các văn bản về bảo vệ môi trường, phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, cũng như lồng ghép vào các chương trình, dự án, các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật công nghệ, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tham vấn cộng đồng, các mô hình sản xuất. Trong năm 2024, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể lồng ghép các nguồn vốn, tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tập trung hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí.
Tỉnh Sóc Trăng chú trọng công tác thu gom rác thải, bao thuốc bảo vệ thực vật. (Ảnh: BST).
Ước đến cuối năm 2024, có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Lũy kế đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 75/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Song song đó, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới và tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Quyết định số 902/QĐ-UBND, ngày 4/4/2022).
Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp đã phối hợp các đơn vị, địa phương, đoàn thể tập trung triển khai Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT- BNNPTNT-BTNMT, ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT, ngày 26/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác; Quyết định số 267/QĐ-CN-MTCN, ngày 16/12/2021 của Cục Chăn nuôi Công nhận quy trình xử lý chất thải chăn nuôi, môi trường chăn nuôi…
Kết quả đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, thu hút nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân tham gia, riêng lĩnh vực trồng trọt đến nay toàn tỉnh có 452 bể chứa bao thuốc bảo vệ thực vật, thu gom 6.722kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được đem đi xử lý, nhiều mô hình sản xuất phát thải thấp được hình thành và phát triển, nổi bật là Dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững) tỉnh Sóc Trăng có nhiều hécta lúa được áp dụng kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”, gần 16.000ha lúa áp dụng kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm”, giảm phát thải khí nhà kính 170.722 tấn CO2 so với mục tiêu 133.330 tấn CO2, vượt 28% chỉ tiêu kế hoạch.
Có thể nói, việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã có sự quyết tâm, vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng với sự tham gia đông đảo của cộng đồng dân cư; cảnh quan, không gian, kiến trúc khu vực nông thôn ngày càng chuyển biến theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn và khôi phục, giữ gìn được nét đẹp truyền thống vùng nông thôn, diện mạo các xã ngày càng đổi mới.
Ý thức của người sản xuất nông nghiệp từng bước được thay đổi, nhận diện các rủi ro do tác động của môi trường và các hành vi sản xuất thiếu quy trình canh tác kỹ thuật. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, mặc dù đạt được một số kết quả nêu trên, nhưng trong quá trình triển khai cũng còn gặp nhiều khó khăn, như: hạ tầng bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu như hiện nay; ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân và chính quyền cơ sở còn hạn chế; nguồn lực bố trí cho công tác này còn hạn chế.
Cụ thể, trong trồng trọt thì việc thu gom các loại bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng chưa được người dân quan tâm thu gom đầy đủ, để đúng nơi quy định, một số hộ còn đốt rơm, rạ sau thu hoạch ở vụ mùa mưa. Trong chăn nuôi, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hướng tự phát, chuồng trại xây dựng không đúng quy định (trong khu dân cư), không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, thiếu vốn sản xuất nên chưa đầu tư xây lắp các công trình khí sinh học, do vậy công tác quản lý môi trường chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh những thuận lợi, việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp Sóc Trăng vẫn gặp nhiều hạn chế. (Ảnh minh hoạ).
Bên cạnh đó, hạ tầng nuôi trồng thủy sản còn nhiều hạn chế, thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa đồng bộ, dẫn đến môi trường nuôi chưa tốt, dịch bệnh còn diễn ra… Chính vì thế, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng trong tiến trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới nên phải có nhiều giải pháp đồng bộ.
Trong đó cần tập trung các giải pháp chính, như: tiếp tục công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tập trung vào thực tiễn ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời đề cao vai trò, tăng cường sự giám sát của các tổ chức đoàn thể, lồng ghép và đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hoạt động của các khu dân cư và cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt việc thu gom và xử lý chất thải rắn bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật, xử lý chất thải chăn nuôi, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân.
Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp, diện tích đất được sử dụng vào mục đích nông nghiệp là 280.384ha, chiếm 84,66% diện tích tự nhiên, do đó, việc hoàn thiện quy trình xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế là thiết thực.
Trong giai đoạn tiếp theo, để phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã và đang phối hợp cùng các ngành chức năng, địa phương tuyên truyền kinh nghiệm hay, phương pháp và cách làm sáng tạo, hiệu quả để người dân học tập. Đồng thời, các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh cũng thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ các HTX nông nghiệp, chủ trang trại hoàn thiện phương án kinh doanh; cơ cấu tổ chức, bộ máy; đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị; hỗ trợ điều chỉnh hoàn thiện sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đồng thời, hỗ trợ người sản xuất áp dụng các biện pháp tái sử dụng và tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó, góp phần từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất truyền thống, sang sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững.
Lê Trang
Bình luận