Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 18/05/2025 11:05
Thứ sáu, 16/05/2025 13:05
TMO - Theo Tổ chức Giám sát Sông băng Thụy Sĩ, các sông băng ở quốc gia này đang đối mặt với một mùa tan băng nhanh chóng.
Tổ chức Giám sát Sông băng Thụy Sĩ (Glamos) cho biết, tuyết phủ trên các sông băng vào cuối mùa Đông hiện thấp hơn 13% so với mức trung bình giai đoạn 2010 - 2020. Kết quả đo mật độ tuyết tại 21 sông băng ở nước này cho thấy lớp tuyết dao động từ 1 - 4 mét, nhưng vẫn giảm tới gần 50% so với trung bình tại một số khu vực.
Tuyết đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sông băng vì tuyết vừa bổ sung khối lượng băng, vừa phản chiếu ánh nắng vừa bảo vệ băng khỏi tan chảy dưới sức nóng mùa Hè. Tuy nhiên trong năm nay, dữ liệu ghi nhận sự chênh lệch rõ rệt giữa các vùng: trong khi khu vực Đông Bắc Thụy Sĩ có lượng tuyết đặc biệt thấp, thì phía Nam và Tây Nam ghi nhận mức tuyết gần trung bình nhờ đợt tuyết rơi bất thường vào giữa tháng 4 vừa qua.
(Ảnh minh họa).
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh biến đổi khí hậu các sông băng Thụy Sĩ đã mất khoảng 10% tổng thể tích chỉ trong hai năm 2022 và 2023 - tương đương mức tan băng của 30 năm từ 1960 đến 1990.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết, tốc độ tan chảy sông băng hiện nay đang đe dọa đến nguồn lương thực và nước sinh hoạt của khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới, đặc biệt tại các khu vực miền núi và phụ thuộc vào băng tuyết.
Theo báo cáo phát triển tài nguyên nước thế giới 2025 của UNESCO, khoảng 2/3 diện tích nông nghiệp sử dụng tưới tiêu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng giảm tuyết rơi và sông băng rút đi tại các khu vực núi cao. Hơn 1 tỷ người hiện đang sinh sống tại các vùng núi, trong đó có tới một nửa tại các nước đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, và xu hướng này sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng xác nhận tốc độ tan băng hiện nay là tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Trong ba năm qua, thế giới đã chứng kiến mức suy giảm khối lượng sông băng lớn nhất lịch sử, với các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề gồm Na Uy, Thụy Điển, Svalbard và dãy Andes nhiệt đới.../.
Trần Hà
Bình luận