Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ sáu, 28/04/2023 13:04
TMO - Với lợi thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhất là đối với nông sản đặc trưng của địa phương như vải thiều, tỉnh Bắc Giang đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu vải thiều cùng các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh khác sang thị trường Mỹ.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, Bắc Giang có nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng như: Chè Bản Ven và sản phẩm chế biến từ gạo (mỳ gạo Chũ) với sản lượng hàng chục nghìn tấn; cây có múi (cam, bưởi) với sản lượng mỗi năm đạt gần 90 nghìn tấn quả. Hiện tỉnh có 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, 205 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Đáng chú ý đây là địa phương có vùng vải thiều lớn nhất cả nước có chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc. Năm 2023, tỉnh Bắc Giang có 29.700 ha vải thiều, tổng sản lượng ước đạt trên 180.000 tấn, thời gian thu hoạch dự kiến từ 20/5 - 30/7/2023. Trong đó, diện tích và sản lượng vải thiều đủ điều kiện xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ đã được cấp 17 mã số vùng trồng, với diện tích 205 ha, sản lượng ước đạt 1.500 tấn.
Với thị trường Hoa Kỳ, Bắc Giang luôn xác định là thị trường tiềm năng. Hiện tỉnh đã có 17 mã số vùng trồng được Hoa Kỳ cấp mã số, với diện tích 205ha. Năm nay địa phương dự kiến xuất khẩu quả vải sang thị trường này khoảng 1.500 tấn. Tuy nhiên, đây là thị trường đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Chính vì vậy, vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh khi xuất khẩu vào thị trường này còn một số khó khăn như: Chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không cao; chưa có công nghệ bảo quản vải thiều để vận chuyển bằng đường biển; việc chiếu xạ còn hạn chế. Tiềm năng xuất khẩu vải thiều Bắc Giang vào Hoa Kỳ rất lớn, tuy nhiên do khoảng cách địa lý cùng với công nghệ bảo quản nên việc đưa sản phẩm này đến Hoa Kỳ hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến vấn đề vận chuyển, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Bắc Giang cần tiếp tục phối hợp để có chính sách hưởng ưu đãi giá bay thẳng đối với vải thiều của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Điều này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về giá cước. Về công nghệ, cần lựa chọn công nghệ bảo quản phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Bên cạnh việc kiểm soát chất lượng vùng trồng, tỉnh Bắc Giang chủ động đa dạng các hoạt động xúc tiến, thúc đẩy xuất khẩu vải thiều trong đó có thị trường Mỹ. Ảnh: BCP.
Để việc xuất khẩu vải thiều vào thị trường Hoa Kỳ được thuận lợi, tỉnh Bắc Giang đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm và có những định hướng giúp tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Bắc Giang ở thị trường Hoa Kỳ; hỗ trợ thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... và các hàng rào kỹ thuật của thị trường châu Âu, châu Mỹ. Cùng đó, quan tâm giới thiệu, mời gọi và kết nối các doanh nhân Hoa Kỳ và các doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ có hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản.
UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bắc Giang đặc biệt coi trọng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế, kế hoạch xuất, nhập khẩu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những giải pháp xuất khẩu hàng hóa cụ thể, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Bắc Giang đầu tư sản xuất, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu vải thiều. Mọi kiến nghị của doanh nghiệp đều được giải quyết kịp thời để quả vải thiều sớm được đến với thị trường Hoa Kỳ.
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương cụ thể hóa từng nhóm vấn đề như: Tập trung vào khâu sản xuất, nâng cao chất lượng quả vải thiều; các điều kiện để xuất khẩu vải thiều vào thị trường Hoa Kỳ; kết nối trong hoạt động xuất khẩu; giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…
Trong đó, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tiếp nhận các kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Thường xuyên phối hợp với cơ quan thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ để nắm thị trường, các quy định của Chính phủ Hoa Kỳ về hoạt động xuất nhập khẩu, kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các cơ quan của Bộ NN&PTNT đơn vị chiếu xạ, các cơ sở đóng gói chuẩn bị kỹ các điều kiện đảm bảo chuẩn hóa, an toàn phục vụ xuất khẩu vải thiều.
Các huyện Lục Ngạn, Tân Yên quản lý chặt chẽ mã vùng trồng vải thiều, mã số cơ sở đóng gói tại địa phương; chuẩn bị đầy đủ các hoạt động hỗ trợ thu hoạch vải thiều, khắc phục các tồn tại, vướng mắc của những năm trước, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho mùa vụ 2023.
Lê Mai
Bình luận