Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 03:01
Thứ năm, 29/12/2022 11:12
TMO - Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ mở cửa biên giới và gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19 từ ngày 8/1/2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương cho rằng đây là cơ hội để tái thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc và chắc chắn sẽ hưởng lợi trong thời gian tới.
Năm 2022, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Covid”, siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở khu vực cửa khẩu ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam. Mặc dù những tháng cuối năm xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đã bớt khó khăn, nhưng tính chung trong 11 năm 2022 xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Việc mở cửa này sẽ giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu và cảng biển. Bên cạnh đó, việc tái mở cửa sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, đối tác hai bên biên giới có cơ hội giao lưu, tiếp xúc trực tiếp, độ tin cậy cũng gia tăng rất nhiều so với việc chỉ liên hệ trực tuyến. Ngoài ra, đối với các mặt hàng đã ký nghị định thư thì sắp tới Việt Nam sẽ mở thêm mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.
Dự kiến năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ đạt 2,5-3 tỷ USD, trong đó sầu riêng, thanh long có kim ngạch cao nhất. Ảnh: T. Dân
Hiện nay Trung Quốc đã cấp 113 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, 300 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đang được xem xét thì việc mở cửa biên giới giúp việc kiểm tra, thực tế tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ thuận tiện hơn. Tính đến nay, Việt Nam có 5 sản phẩm nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức ký kết nghị định thư gồm: măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang. Đồng thời, có 7 mặt hàng trái cây xuất khẩu dạng truyền thống được cho phép là: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm và mít. Ngoài ra, Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời chanh leo và ớt tươi sang thị trường láng giềng. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường như, bưởi, mãng cầu, dừa, mận, chanh...
Với việc Trung Quốc mở cửa biên giới, cộng với các Nghị định thư xuất khẩu chuối, chanh leo, sầu riêng đã ký kết, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng trưởng, dự kiến năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ đạt 2,5- 3 tỷ USD, trong đó sầu riêng, thanh long có kim ngạch cao nhất.
Xuất khẩu thủy sản trong đó có mặt hàng cá tra được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian tới tại thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc Trung Quốc mở cửa biên giới sẽ là cơ hội rất lớn cho ngành thủy sản Việt Nam để bù đắp phần sụt giảm từ thị trường các nước G7 như: Mỹ, EU, Anh, Ý, Nhật Bản… Theo VASEP, Trung Quốc là thị trường lớn, quan trọng đối với hàng thủy sản Việt Nam, trong 11 tháng của năm 2022 Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch gần 1,5 tỷ USD. Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng qua các tháng, nhiều tháng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 636 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ. Việt Nam có 160 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc. Ngoài ra, trong 11 tháng của năm 2022, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Trung Quốc đạt 616 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc là thị trường tỷ dân, khi mở cửa trở lại các dịch vụ thì nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có thủy sản là rất lớn. Dự báo đơn hàng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sau khi nước này mở cửa biên giới sẽ bùng nổ giống như với thị trường EU, Mỹ sau dịch Covid-19 trong các năm 2020 và 2021.
Nguyễn Hạnh
Bình luận