Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 26/01/2025 23:01
Thứ sáu, 30/09/2022 15:09
TMO - Để cạnh tranh được tại thị trường châu Âu (EU) và tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs), thời gian tới các doanh nghiệp cần chú trọng tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững.
Sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thương mại song phương Việt Nam-EU tăng trưởng rất tích cực nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hai bên. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm thứ hai thực thi Hiệp định EVFTA (từ tháng 8/2021 – 7/2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực; trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu đạt 16,4 tỷ, tăng 0,2%.
Trong đó, 8 tháng của năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,85% so với 8 tháng năm 2021. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt.
Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: máy móc và thiết bị (34,8%), dệt may (41,2%), giày dép (36,2%) mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: cà phê (54,4%), thủy sản (41,9%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo (22,2%)...
Các doanh nghiệp cần đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững tại thị trường châu Âu
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU. Việt Nam tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU, điển hình như: dược phẩm (7,6%), hóa chất (102%), gỗ và sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc (15,5%), sữa và sản phẩm sữa (29,1%), chế phẩm thực phẩm khác (45,3%) và các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Bộ Công Thương nhấn mạnh với lợi thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU), Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và bền vững, bao gồm cả vấn đề sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh bền vững, cùng có lợi với EU.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song theo đánh giá của Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, hiện nay thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường EU vẫn còn hạn chế. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ tập trung vào thị trường lớn như Hà Lan, Đức, Pháp, Ý… còn những thị trường còn lại, thị phần còn rất nhỏ. Do đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa sang các thị trường còn lại của khối để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Châu Âu là thị trường không ngừng cập nhật chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, địa phương cần thay đổi để có thể tiếp cận thị trường. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phát huy tối đa hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại EU tích cực hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường, tận dụng lợi thế từ EVFTA để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp chung tay xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng, bền vững.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh với lợi thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và bền vững, bao gồm cả vấn đề sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất. Điều này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh bền vững, cùng có lợi với thị trường này.
Minh Hòa
Bình luận