Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ tư, 26/07/2023 19:07
TMO – Việt Nam ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đó là những con số rất ấn tượng hứa hẹn là nguồn tài nguyên mới. Và quan trọng hơn phía sau những trị số đó nếu biết khai thác hiệu quả sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời, góp phần không nhỏ bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.
Ngay từ năm 2012, Việt Nam đã tham gia và tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới. Để hình thành thị trường carbon trong nước không chỉ phát huy nội lực của các doanh nghiệp (DN) mà còn cần sự đồng hành của các cơ quan có thẩm quyền.
Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Trong đó, bao gồm đóng góp về giảm phát thải nhà kính được cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Việt Nam đã hoàn thành NDC cập nhật và đã gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, thì mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD.
(Ảnh minh họa)
Đến thời điểm này, thị trường carbon vẫn được xem là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính. Tham gia thị trường carbon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Muốn làm được điều này, việc xây dựng, vận hành thị trường carbon còn là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính.
Ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Trong đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Ngoài ra, để phát triển thị trường carbon ở Việt Nam cần xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường carbon, bao gồm hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở cho giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm. Hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế; thiết lập cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước. Xây dựng cơ chế xác định tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch và xác định mức phát thải khí nhà kính; ban hành đầy đủ quy định về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Các quy định nhằm minh bạch hóa thị trường, tiệm cận và đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Điều này rất cần thiết bởi trong bối cảnh các DN xuất khẩu nhiều ngành hàng đang hướng tới thị trường các quốc gia phát triển, vốn xem trọng các yêu cầu bảo vệ môi trường và đi đầu trong mua bán tín chỉ phát thải.
Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành…, hỗ trợ DN và các bên liên quan tiếp cận và sẵn sàng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam. Tạo lập sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
PHƯƠNG LÊ
Bình luận