Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ sáu, 09/12/2022 14:12
TMO - Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, hiệu quả... UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Địa phương này nhấn mạnh đến mục tiêu: Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Trong đó, góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí thông qua bảo vệ và phát triển toàn bộ diện tích rừng hiện có; nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 47,75% vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 49,2% (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích). Đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, và trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng.
Hướng đến mục tiêu giảm phát thải trong nền kinh tế tuần hoàn, tỉnh Gia Lai phát huy các điều kiện nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo. Ảnh: Minh Quân
Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 50% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; tăng năng lực tái chế rác thải hữu cơ ở đô thị và nông thôn; nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 40%; 80% rác thải hữu cơ ở đô thị và 60% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; hạn chế tối đa việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình kinh tế tuần hoàn ở đô thị; tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị. Mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực, cải thiện năng suất lao động và thu nhập của người lao động từ kinh tế tuần hoàn.
Đối với mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, thời gian qua phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên, Gia Lai đã phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Với tiềm năng phát triển và hạ tầng lưới điện, tỉnh đã thu hút được các nguồn lực cho đầu tư phát triển và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 4.362,89 MW. Trong đó, có 60 dự án thủy điện với tổng quy mô công suất 2.330,89 MW; 9 dự án điện mặt trời với tổng công suất 787 MWp, tương đương công suất 630 MWp; 17 dự án điện gió với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW; 2 dự án nhà máy điện sinh khối từ bã mía đang vận hành với tổng công suất 144,6 MW. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất là hơn 603 MWp.
Nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế tác động tới môi trường là một trong những nhiệm vụ được UBND tỉnh nhấn mạnh triển khai. Ảnh: Đ. Thụy
Bên cạnh những dự án năng lượng tái tạo, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được Gia Lai chú trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH. Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, hiện Gia Lai có 227.000ha cây trồng được sản xuất theo các tiêu quốc tế và 231.000ha cây trồng được liên kết sản xuất theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường đáp ứng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, địa phương này hiện có 18 vùng nông nghiệp công nghệ cao và thu hút thêm 38 dự án đầu tư vào trồng trọt, 78 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, trong đó, 4 dự án đi vào hoạt động. Gia Lai còn phát triển 1 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng mức đầu tư 374 tỷ đồng, quy mô 312ha, thu hút các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Các dự án đầu tư đều được đánh giá yếu tố tác động đến môi trường, đảm bảo hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, để đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai tiếp tục nâng cao hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng, mang lại hiệu quả cao; ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng; thu hút các nhà đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và tuần hoàn, đảm bảo về môi trường.
Thu Trang
Bình luận