Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ năm, 13/10/2022 03:10
TMO - Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác rừng, thời gian qua Việt Nam chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm với nhiều quốc gia. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nông Lâm nghiệp Phần Lan thảo luận về hướng tiếp cận đa mục đích và quản lý rừng bền vững.
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đối với ngành lâm nghiệp, Việt Nam - Phần Lan đã có 20 năm cùng hợp tác, tập trung vào các nội dung chủ yếu, như: trồng rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, quản lý rừng bền vững, chi trả dịch vụ môi trường rừng, xây dựng cơ chế chính sách,...Trong năm 2021 kim ngạch thương mại của Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực lâm nghiệp đạt 27,7 triệu USD.
Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp nhận định: Phần Lan là quốc gia có độ che phủ rừng cao nhất thế giới với trên 70%, trong đó rừng có chứng chỉ đạt hơn 90%. Hàng năm sản lượng gỗ khai thác lên đến 80 triệu m3 việc sử dụng rừng bền vững, nâng cao các giá trị từ rừng được thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và chế biến, từ đó nâng cao giá trị của rừng và đa dạng hóa sản phẩm từ rừng.
Kinh nghiệm quản lý rừng bền vững, qua đó nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng là nội dung quan trọng được nhấn mạnh trao đổi. Ảnh: XV
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, từ nước công nghiệp chế biến gỗ hầu như chưa có gì, đến nay giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt khoảng 16 tỷ USD, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng từ 5 - 5,5%. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản dự báo đạt từ 18 - 20 tỷ đồng đến năm 2025 và từ 23 - 25 tỷ đồng đến năm 2030. Sản lượng gỗ kinh tế rừng trồng tại Việt Nam mới đạt 35 triệu m3, tương đương một nửa của Phần Lan.
Do đó tiềm năng sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Phần Lan còn rất lớn. Ngành lâm nghiệp nhận định, Phần Lan sẽ là thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu đầy tiềm năng cho Việt Nam trong tương lai gần; cũng như cung cấp các công nghệ tiên tiến cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.
Bộ Nông lâm nghiệp Phần Lan cho biết, rừng bao phủ hơn 75% diện tích đất tự nhiên ở Phần Lan. Quốc gia này hiện có 20,3 triệu ha đất rừng đa dụng, trong đó 60% diện tích rừng ở Phần Lan thuộc sở hữu của tư nhân. Phần Lan có gần 620.000 chủ rừng; 350.000 gia đình nắm giữ rừng với quy mô trung bình 30ha. Nhờ sự phát triển của thực hành lâm nghiệp và các mô hình hiệu quả, khoảng 30 loài trong danh sách bị đe dọa tuyệt chủng đã được đưa ra khỏi danh sách vào năm 2019.
Ngoài ra, hầu hết gỗ tròn ở Phần Lan được tiêu thụ bởi các ngành công nghiệp chế biến và bột giấy hóa học. Các loại gỗ tròn quan trọng nhất là gỗ thông bột giấy và gỗ vân sam. Ở Phần Lan, việc kiểm kê rừng được tiến hành 5-10 năm/lần từ năm 1920. Do vậy, quốc gia này sẵn sàng chuyển giao công nghệ, hướng tiếp cận và cách quản lý rừng bền vững cho Việt Nam.
Việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ngành công nghệ chế biến gỗ được nhấn mạnh trong thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia
Ngành Nông nghiệp Việt Nam mong muốn Bộ Nông lâm nghiệp Phần Lan hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam phát triển hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp, tăng cường năng lực trong quản trị rừng, trong đó có thực thi công ước CITES. Xem xét có cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam để tăng cường sự duy trì và phát triển Hệ thống quản lý thông tin ngành Lâm nghiệp (FORMIS).
Tăng cường năng lực trong quản trị rừng, trong đó có thực thi công ước CITES. Đồng thời, đề nghị Phần Lan phối hợp với EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để triển khai Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), thúc đẩy xuất khẩu gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU.
Trước đó, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Nông lâm Phần Lan đã trao đổi giải pháp ngành nước thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, Phần Lan với thế mạnh là công nghệ bổ cập nước ngầm, các cố vấn cấp cao, chuyên gia về tài nguyên nước, vì vậy Bộ TN&MT đề nghị phía Phần Lan thúc đẩy kết nối xây dựng Dự án về tài nguyên nước để chia sẻ kinh nghiệm về chính sách quản lý, công nghệ.
Bên cạnh đó là các giải pháp phục hồi, bảo vệ các khu vực, tầng chứa nước dưới đất bị suy giảm mực nước, ô nhiễm, nhiễm mặn thông qua các biện pháp quản lý, công nghệ bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi, Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước của Phần Lan để hoàn thiện được dự án Luật, đảm bảo cho việc phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Minh Phương
Bình luận