Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 03:01
Thứ bảy, 11/02/2023 12:02
TMO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Trung Quốc và Việt Nam luôn xác định là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Thời gian qua, các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương khu vực biên giới tăng cường kết nối doanh nghiệp 2 nước nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu, trong đó có tiêu thụ nông sản, thực phẩm.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 175,5 tỷ USD. Với 1,411 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam. Đối với hàng rau quả, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với tỷ trọng chiếm 53,7%.
Trong số đó, lượng vải thiều sang Trung Quốc chiếm 90%, lượng thanh long sang Trung Quốc chiếm hơn 80% tỷ trọng lượng xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Quốc với tỷ trọng lần lượt chiếm 91,47% và 71%. Riêng thuỷ sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3 của Việt Nam xếp sau Mỹ và Nhật Bản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay có 16 mặt hàng thực vật đang xuất khẩu sang Trung Quốc là chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo. Trong đó, khoảng 7 sản phẩm đã có Nghị định thư và Bộ đang hoàn thiện chuẩn hóa các Nghị định thư cho khoai lang, ớt. Bộ đang tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía bạn để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả, đẩy mạnh đàm phán.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các Quy định 248 và 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm. Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: HC
Hiện nay, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có đường biên giới với 4 tỉnh Việt Nam là Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên; đời sống người dân tỉnh Vân Nam ngày càng cải thiện. Theo đánh giá của các ngành chức năng, tuy có vị trí, vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với địa phương nước bạn còn chưa được như kì vọng.
Theo đó, năm 2022, kim ngạch thương mại Vân Nam - Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD, chỉ chiếm 5% trong kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhiều cửa khẩu vẫn chưa phát huy được lợi thế. Tỉnh Vân Nam vẫn chưa có nhiều cơ chế hợp tác với các Bộ, ngành phía Việt Nam. Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, điển hình như thủy hải sản, vẫn chưa khai thác được thị trường tiềm năng này.
Vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản. Đây là tin mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong việc xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng nâng cao, đặc biệt là yêu cầu từ Lệnh 248, 249, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật; kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu phía bạn. Về thực hiện liên kết, các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ các đơn vị như Ban Quản lý Cửa khẩu để nắm bắt thông tin về tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, đảm bảo chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu (nhiều vụ việc mất thương hiệu). Cùng đó, nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; nghiên cứu và tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.
Với thị trường Trung Quốc cần tăng cường tiếp cận vùng đối với các thị trường nhỏ như: Quảng Tây; Vân Nam vì mỗi địa phương của Trung Quốc đều có quy mô kinh tế rất lớn cùng thói quen tiêu dùng và những yêu cầu khác nhau về sản phẩm nông sản. Vì vậy doanh nghiệp cũng như các địa phương cũng cần phải nhìn nhận như thế để chúng ta tiếp cận theo hướng này.
Nguyễn Trang
Bình luận