Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ sáu, 25/02/2022 10:02
TMO – Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia cầm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các hộ dân và cơ sở chăn nuôi.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi là rất cao do nhiều loại mầm bệnh lưu hành trên phạm vi rộng, trong khi tổng đàn gia súc, gia cầm lại lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, chưa đủ điều kiện chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học. Thời tiết từ đầu năm đến nay mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện cho mầm bệnh dễ sinh sôi. Vi-rút cúm gia cầm lưu hành tại một số nơi với tỷ lệ khá cao. Việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước tăng mạnh vào đầu năm, cho nên dịch rất dễ lan rộng.
Tăng cường phòng chống dịch bệnh trên gia cầm, vật nuôi.
Cục Thú y nhấn mạnh “nếu không quyết liệt phòng, chống thì nguy cơ một số chủng vi-rút cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2,...) có thể sẽ xâm nhiễm vào nước ta thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là ở các tỉnh biên giới phía bắc”.
Để giữ vững tăng trưởng chăn nuôi trong năm 2022, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả trong bối cảnh ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19, các chuyên gia đề xuất cần triển khai ngay một số giải pháp như: Bố trí các nguồn lực tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện.
Tiếp tục xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh bảo đảm những tiêu chí của Tổ chức Thú y Thế giới (hiện cả nước có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm: 1.462 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác). Khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022; cung ứng hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.
Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, bởi đây là phương thức phòng bệnh hữu hiệu nhất. Rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc-xin cho vật nuôi phòng các dịch bệnh nguy hiểm (cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò) bảo đảm tối thiểu hơn 80% tổng đàn. Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi, sẽ góp phần đưa ngành chăn nuôi thành ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Phạm Dung
Bình luận