Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 19/04/2025 17:04
Thứ sáu, 18/04/2025 06:04
TMO - Tận dụng các điều kiện thuận lợi và lợi thế địa phương, các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế của người dân Cao Bằng đã có nhiều đột phá, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác giảm nghèo, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn.
Để cải thiện sinh kế, từng bước xóa đói giảm nghèo, nhiều mô hình sản xuất đã được triển khai hiệu quả tại tỉnh Cao Bằng. Đơn cử tại huyện Hà Quảng, mô hình trồng gia vị hữu cơ để xuất khẩu đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân. Thông tin từ Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hà Quảng, địa phương triển khai mô hình trồng gia vị hữu cơ từ năm 2015-2016. Ban đầu khoảng 5ha, sau đó mở rộng dần, đến giờ có gần 500ha, tập trung sản xuất một số loại cây như gừng, nghệ, ớt, củ sả... đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc…
Để có nguồn thu ổn định cho người dân là nhờ nhiều chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước như phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719), giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp thông minh… Năm 2024, nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình 1719 hỗ trợ bà con Hà Quảng đạt gần 80 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất gần 50 tỷ đồng (gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ khoanh nuôi và bảo vệ rừng). Riêng hỗ trợ cho mô hình trồng gia vị hữu cơ khoảng 3-4 tỷ đồng.
Không chỉ có Hà Quảng, nhiều địa phương khác tại Cao Bằng cũng tích cực hỗ trợ các mô hình sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững. Trong đó, Dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” là một trong 7 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp đã khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, khơi dậy tính chủ động, tạo cơ hội để người nghèo tự lực vươn lên. Năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 213 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong đó 10 dự án hỗ trợ theo chuỗi liên kết giá trị và 203 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, 18.774 hộ tham gia, với tổng kinh phí gần 138 tỷ đồng. Tham gia mô hình ,các hộ được hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi…
Các mô hình trồng cây ăn trái phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng tại Cao Bằng giúp người dân ổn định sinh kế.
Nhiều mô hình khuyến nông giảm nghèo đã tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện: Hòa An, Bảo Lâm, Trùng Khánh, Thạch An. Ngoài việc được hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, các hộ nghèo, cận nghèo tham gia các mô hình cũng được tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ, dạy nghề, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất. Các địa phương phát huy vai trò các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc liên kết phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị, mở rộng ngành nghề nông thôn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, sản phẩm chủ lực.
Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, giúp người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương. Huyện Bảo Lâm thực hiện 44 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (30 dự án trồng trọt, 8 chăn nuôi, 12 dự án lâm nghiệp) với tổng kinh phí trên 22.840 triệu đồng với 2.505 hộ (1.404 hộ nghèo, 757 cận nghèo, 42 hộ mới thoát nghèo, 302 hộ dân tộc thiểu số) tham gia.
Riêng năm 2024, huyện hỗ trợ 211 con bò cái sinh sản, cấp 813.500 giống cây hồi, 208.526 cây quế, thực hiện 7 mô hình trồng cây giang lấy lá với 732 hộ tham gia mô hình. Những mô hình đều phù hợp với đặc thù của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp cho các hộ tăng thu nhập, ổn định sinh kế, vươn lên thoát nghèo và lập thân lập nghiệp.
Với mức hỗ trợ của Nhà nước 100% đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo là 80% và hộ mới thoát nghèo là 50% về con giống, vật nuôi đã tạo động lực, khơi dậy ý chí quyết tâm, trách nhiệm của người dân không trông chờ, ỷ lại vào chính sách giảm nghèo mà nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, việc người dân chủ động cải tạo khu vực chuồng trại cũng như chuẩn bị nguồn thức ăn... đáp ứng điều kiện hỗ trợ của dự án, thể hiện quyết tâm muốn thoát khỏi đói nghèo. Lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Lâm nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 5% trở lên.
Trong những năm qua, với việc triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo, góp phần cùng huyện thực hiện đạt mục tiêu về giảm nghèo bình quân hằng năm.
Trong thời gian tiếp theo, nhằm tiếp tục duy trì hiệu quả, tỉnh Cao Bằng sẽ chú trọng đẩy mạnh nhân rộng các mô hình phù hợp với từng địa bàn, gắn hỗ trợ sinh kế với đào tạo kỹ thuật và liên kết tiêu thụ nông sản. Với những kết quả đạt được từ các mô hình hỗ trợ sinh kế không chỉ giúp người dân Cao Bằng từng bước cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Vân Như
Bình luận