Hotline: 0941068156
Thứ năm, 06/02/2025 04:02
Thứ tư, 05/02/2025 07:02
TMO - Tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao nhằm góp phần tăng năng suất, giá trị cho ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 231/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa. Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đặt mục tiêu chung là phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) tỉnh Khánh Hòa theo hướng: Góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ. Bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.
Thời gian thí điểm nuôi biển công nghệ cao đến hết năm 2029, với mục tiêu cụ thể: Vùng biển đến 3 hải lý: Diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 240 ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn. Vùng biển từ 3 đến 6 hải lý, diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 200ha, sản lượng đạt hơn 5.100 tấn.
Tỉnh Khánh Hòa thí điểm nuôi biển công nghệ cao đến hết năm 2029.
Để phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao, Đề án đưa ra nhiều nhiệm vụ, bao gồm: Phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao; phát triển công nghệ nuôi thương phẩm; quan trắc môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; dịch vụ hậu cần nuôi biển; chuyển đổi công nghệ nuôi biển đến 3 hải lý.
Trong đó, Đề án ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo giống phục vụ nuôi biển phù hợp với kế hoạch phát triển của tỉnh, tập trung: Nhóm cá biển (cá song/mú, cá vược/chẽm, cá chim vây vàng); Nhóm giáp xác (tôm hùm xanh, tôm hùm bông); Nhóm nhuyễn thể (mực, hàu…); Nhóm rong tảo biển (rong câu chỉ vàng, rong sụn, rong mứt, tảo biển…) và các đối tượng khác phục vụ nuôi biển.
Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống thủy sản, đặc biệt quan tâm bảo vệ, khai thác hợp lý đối với một số giống loài nuôi biển đang phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên (như tôm hùm bông, tôm hùm xanh), đảm bảo không xâm hại đến nguồn lợi tự nhiên và phát triển bền vững.
Đồng thời, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến như: công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) giám sát vật nuôi và an ninh, công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ cho ăn tự động, công nghệ giám sát môi trường tự động, công nghệ vật liệu mới vào nuôi biển nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và phát triển xanh.
Xây dựng tiêu chí, phân loại lồng bè ở các mức tiêu chuẩn, công nghệ cao khác nhau (phù hợp khu vực, vùng nuôi, quy mô nuôi, cấp bão chịu đựng,...) để áp dụng trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho lồng bè, an toàn cho người lao động tham gia nuôi biển trước các điều kiện thời tiết không thuận lợi (gió, bão,...); nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nuôi biển tích hợp đa đối tượng, có kết hợp với du lịch biển trong điều kiện đặc thù của vùng biển tỉnh Khánh Hòa...
Áp dụng công nghệ 4.0 nâng cao hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo sớm tác động môi trường và phòng chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi biển. Tiến tới xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc cảnh báo sớm môi trường, dịch bệnh nghề nuôi biển một cách chủ động. Đầu tư và áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào quản lý và sản xuất ở những vùng nuôi biển tập trung, hạn chế rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững...
Khánh Hòa nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nuôi biển tích hợp đa đối tượng.
Khánh Hòa có lợi thế phát triển nuôi biển khi đường bờ biển 385km, với 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều đầm, vịnh, trong đó cả vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh và đầm Nha Phu. Đối tượng nuôi chủ yếu ở địa phương này gồm: tôm hùm, cá bớp, cá chim, cá mú, cá chẽm... Ngoài ra, nuôi hàu Thái Bình Dương, hải sâm, tu hài, ngao hai cồi, trai ngọc, rong biển... mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân.
Thời gian qua, tỉnh áp dụng các mô hình nuôi biển công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Trong đó, lồng nuôi bằng vật liệu mới (HDPE), máy đo môi trường tự động, máy cho ăn tự động, vệ sinh đầu dò tự động, hệ thống camera giám sát trong lồng nuôi…, đã giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế được rủi ro trong quá trình nuôi, kiểm soát được dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Trong năm 2023, tại vùng biển mở xã Cam Lập, TP Cam Ranh, người dân đang đã sử dụng lồng nuôi biển công nghệ cao. Nơi đây có 10 hộ dân tham gia với 16 lồng tròn HDPE và 12 lồng vuông HDPE, nuôi các loại cá và tôm hùm. Việc phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng nổi vật liệu HDPE đã giúp các hộ nuôi tham gia dự án nâng cao năng suất và sản lượng, có khả năng chịu được sóng, gió lớn nên cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Đồng thời, lồng có đường kính nhỏ 13m, độ sâu từ 6m nên rất phù hợp, thuận lợi cho người nuôi vận hành, chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi.
Sau 1 năm triển khai, các lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE của mô hình nuôi thí điểm đã thu hoạch đều cho lợi nhuận cao hơn mô hình nuôi bằng lồng gỗ truyền thống, trong đó tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt 172% đối với mô hình nuôi cá bớp, đạt 112% đối với mô hình nuôi tôm hùm và đạt 131,4% đối với mô hình nuôi cá mú. Thành công bước đầu của việc triển khai mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ cao là cơ sở, tiền đề để quảng bá, nhân rộng, phát triển nuôi biển ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao, tỉnh sẽ tập trung xây dựng nghề nuôi biển theo hướng tăng năng suất, giá trị ngành hàng, nâng cao thu nhập cho người nuôi thông qua giải quyết việc làm, hướng tới xuất khẩu thủy sản tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, việc mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh sẽ được triển khai trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ nay đến hết năm 2025, mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 30ha (150 hộ); tổng kinh phí dự kiến hơn 75,3 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup, ngân sách tỉnh hỗ trợ, đối ứng của người nuôi, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi.
Giai đoạn 2, từ năm 2026 đến 2027, mở rộng thí điểm trên quy mô 100ha; tổng kinh phí dự kiến khoảng 225 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, người dân đối ứng, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi. Giai đoạn 3, từ năm 2028 đến 2029, mở rộng mô hình trên quy mô 110ha; tổng kinh phí dự kiến 245 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, đối ứng của người nuôi, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi.../.
Hoàng Ngân
Bình luận