Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ sáu, 11/11/2022 03:11
TMO - Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), 9 quốc gia gồm Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Colombia, Ireland, Na Uy và Hà Lan, đã thông báo quyết định tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA) nhằm khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi.
Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA) do Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), cùng Đan Mạch khởi xướng thành lập từ tháng 9/2022 nhằm tạo ra động lực toàn cầu cho việc phát triển điện gió ngoài khơi thông qua vận động chính trị và tạo ra một cộng đồng thực hành toàn cầu.
Mục tiêu của GOWA là góp phần đạt được tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu tối thiểu là 380 GW vào năm 2030, với trung bình 35 GW mỗi năm trong những năm 2020 và tối thiểu 70 GW mỗi năm từ năm 2030, đạt đỉnh 2.000 GW vào năm 2050, nhằm đảm bảo mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Vừa qua, trong khuôn khổ của Hội nghị COP27, đã có thêm 9 nước thành viên tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu. Bộ trưởng Năng lượng Colombia Irene Velez Torres cho biết: "Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu phù hợp với các ưu tiên của chúng tôi và với sự bổ sung của chúng tôi, chúng tôi muốn thông báo rằng Colombia ngày nay là một cường quốc toàn cầu về sự sống và cam kết không chỉ đối với quá trình chuyển đổi năng lượng mà còn sự chuyển đổi của xã hội thông qua việc kết hợp các nguồn năng lượng tái tạo phi thông thường vào hệ thống năng lượng của chúng ta.
Trong khuôn khổ của COP27 đã có thêm 9 nước thành viên tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu. Ảnh: Europapress
Tomas Anker Christensen, Đại sứ Khí hậu của Đan Mạch chia sẻ: “Điện gió ngoài khơi là trọng tâm để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và loại bỏ dần năng lượng được sản xuất bởi nhiên liệu hóa thạch. Với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế và các tác nhân từ toàn bộ chuỗi giá trị, Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu ra đời để tạo động lực chính trị và thúc đẩy hành động bằng cách chia sẻ các phương pháp hay nhất để đảm bảo một nguồn điện hiệu quả, tiết kiệm chi phí và công bằng chuyển tiếp sang điện gió ngoài khơi”.
Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Đức, bà Jennifer Lee Morgan, khẳng định nền kinh tế lớn nhất châu Âu là nhà sản xuất điện gió ngoài khơi lớn thứ ba thế giới và nước này hiện có kế hoạch tăng mạnh công suất. Theo bà, Berlin nhận thấy "cơ hội tận dụng bí quyết và kỹ năng của mình trong không gian ngoài khơi và có thể giúp các nước khác xây dựng hoặc tự tăng công suất sản xuất điện gió ngoài khơi”.
Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten dự báo: “Bỉ là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng với công suất điện gió ngoài khơi tăng gấp bốn lần vào năm 2040 ở Biển Bắc của Bỉ, xây dựng một hòn đảo năng lượng hỗn hợp và các kết nối mới với Các nước Biển Bắc. Biển Bắc sẽ chuyển đổi thành nhà máy điện lớn bền vững, đồng thời tin tưởng với sự tăng tốc xanh này, chúng ta có thể thay thế khí đốt và dầu nhanh hơn”.
Theo ông Francesco la Camera, Tổng Giám đốc IRENA, điện gió ngoài khơi là nguồn bổ sung sản lượng điện không carbon mới rất quan trọng, giúp các quốc gia có cơ sở để nâng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của họ. Điện gió ngoài khơi không chỉ có sức cạnh tranh với các nguồn phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, mà còn có thể tạo ra một sự thúc đẩy lớn cho đầu tư và tạo việc làm mới.
Thu Thảo
Bình luận