Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ năm, 12/01/2023 07:01
TMO - Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết 8 năm qua thế giới ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục kể cả khi hiện tượng La Nina xảy ra năm 2020 đã phần nào giúp làm mát bầu khí quyển.
Theo C3S, nhiệt độ trung bình trong năm 2022 - năm chứng kiến một loạt các thảm họa thiên nhiên chưa từng có do biến đổi khí hậu - khiến năm này trở thành năm nóng nhất thứ 5 kể từ khi C3S bắt đầu thu thập dữ liệu về vấn đề này vào thế kỷ XIX. Báo cáo hàng năm của C3S cho thấy Pakistan và miền Bắc Ấn Độ đã trải qua một đợt nắng nóng như thiêu như đốt vào mùa Xuân kéo dài 2 tháng với nhiệt độ luôn vượt trên 40 độ C.
Ở châu Âu, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italy đã lập kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình trong năm 2022, trong bối cảnh toàn bộ châu lục này trải qua năm nóng kỷ lục thứ hai. Cụ thể, trong số 27 quốc gia châu Âu có 12 quốc gia ở khu vực này ghi nhận mức nhiệt độ bất thường cao nhất từ trước đến nay trong ít nhất một tháng vào năm 2022.
Nhiệt độ tăng cao nhất được ghi nhận vào cuối mùa hè, tháng 10 và tháng 12. Ở Áo, nhiệt độ trung bình trong tháng 10 năm 2022 ấm hơn 3,3°C so với nhiệt độ trung bình trong tháng 10 được ghi nhận từ năm 1991 đến năm 2020. Pháp và Slovenia cũng ghi nhận nhiệt độ tăng bất thường từ 3°C trở lên trong tháng đó. Croatia và Hy Lạp đều trải qua mức tăng 3°C vào tháng 12.
Cùng với nhiều khu vực khác trên thế giới, châu Âu trải qua đợt hạn hán kỷ lục khiến các dòng sông cạn trơ đáy.
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã phá kỷ lục về tình trạng nóng bất thường hàng tháng vào ba dịp khác nhau. Khu vực Bắc Âu và Tây Âu đã trải qua những đợt nắng nóng kéo dài và dữ dội trong năm. Phần lớn lục địa phải chịu hạn hán và lượng khí thải do cháy rừng vào mùa hè ở mức cao nhất trong 15 năm. Nhiệt độ ở châu Âu đã tăng hơn hai lần so với nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 30 năm qua, và khu vực này ghi nhận tốc độ tăng nhiệt cao nhất so với bất kỳ lục địa nào khác trên toàn cầu.
Năm 2022 tiếp tục là năm của các hiện tượng khí hậu cực đoan trên khắp châu Âu và toàn cầu. Các vùng rộng lớn ở khu vực Trung Đông, Trung Quốc, Trung Á và Bắc Phi trong cả năm 2022 cũng ghi nhận nhiệt độ trung bình cao chưa từng có. Các vùng cực của Trái Đất cũng ghi nhận nhiệt độ tăng kỷ lục. Tại trạm Vostok nằm sâu trong nội địa Đông Nam Cực đạt nhiệt độ âm 17,7 độ C, ấm nhất từng đo được trong lịch sử 65 năm hoạt động của trạm này.
Trong khi đó, diện tích băng biển ở Nam Cực trong tháng 2/2022 giảm xuống mức thấp nhất trong mùa Hè ở Nam bán cầu. Nhiệt độ tại Greenland trong tháng 9/2022 cao hơn 8 độ C so với mức trung bình, đẩy nhanh quá trình tan băng, đây là nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao.
Thế giới đang tiến dần đến mức tăng nhiệt nguy hiểm 2,8 độ C so với mức tăng 1,5 độ C theo thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, kiềm chế mức tăng nhiệt Trái Đất ở 1,5% sẽ hạn chế tác động của biến đổi khí hậu ở mức có thể kiểm soát được.
Minh Vân
Bình luận