Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 08:11
Thứ ba, 30/08/2022 21:08
TMO - Để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác lập Quy hoạch Thủ đô trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện những nội dung công việc như: tiếp tục xây dựng báo cáo khung định hướng Quy hoạch Thủ đô; kiện toàn Ban Chỉ đạo thành phố…
UBND thành phố Hà Nội vừa có Thông báo số 647 nêu kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại cuộc họp ngày 19/8/2022 về tiến độ triển khai thực hiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong thời gian ngắn, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô, các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện được nhiều nội dung công việc: Ban hành Kế hoạch triển khai; tổ chức 16 cuộc họp để chỉ đạo công tác lập quy hoạch; đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng báo cáo bước đầu công tác lập quy hoạch Thủ đô.
Đồng thời, tổ chức đoàn đi khảo sát kinh nghiệm lập quy hoạch tại một số tỉnh, thành phố; liên hệ, làm việc với một số chuyên gia cao cấp; xây dựng dự thảo khung định hướng Quy hoạch Thủ đô; bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ lập Quy hoạch Thủ đô.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện nhiệm vụ trong lập Quy hoạch Thủ đô. Ảnh: Lê Việt
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, hiện có 11/49 đơn vị chưa gửi báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo thành phố. UBND TP Hà Nội đề nghị các đơn vị rút kinh nghiệm và khẩn trương phối hợp cơ quan lập quy hoạch để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác lập Quy hoạch Thủ đô trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện một số nội dung công việc cụ thể. Trong đó, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội giữ vai trò chủ trì, tiếp tục xây dựng báo cáo khung định hướng Quy hoạch Thủ đô (đề cương chi tiết), báo cáo UBND thành phố để trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 9/2022.
Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và đơn vị liên quan rà soát, tham mưu báo cáo UBND thành phố việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thành phố và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo thành phố trong công tác lập Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Đồng thời, phối hợp đơn vị liên quan sớm hoàn thành công tác tổ chức thẩm định dự toán chi phí lập Quy hoạch Thủ đô; tham mưu, báo cáo UBND thành phố bố trí nguồn vốn lập Quy hoạch Thủ đô từ nguồn vốn đầu tư công…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cơ quan truyền thông của Trung ương, Thành phố và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội có kế hoạch cụ thể đối với công tác truyền thông về lập Quy hoạch, xây dựng trang web phục vụ lập Quy hoạch Thủ đô.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo, Tiểu ban chỉ đạo thành phố trong công tác triển khai lập Quy hoạch Thủ đô, chủ động phối hợp với các bộ, ngành chủ quản để nghiên cứu, cập nhật các định hướng quy hoạch ngành quốc gia, xây dựng các nội dung đề xuất để đưa vào Quy hoạch Thủ đô đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch ngành quốc gia với Quy hoạch Thủ đô.
Quy hoạch là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đầu tư trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hữu Thắng
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định, phạm vi quy hoạch của Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích tự nhiên là 3.358,6 km2. Phó Thủ tướng yêu cầu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư.
Tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nội dung lập quy hoạch phải định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cấp có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.
Nội dung lập quy hoạch phải đảm bảo tính liên kết, thống nhất đồng bộ với điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn Thủ đô và tăng cường liên kết vùng.
Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng nội dung, tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được triển khai thực hiện theo phương pháp tích hợp, đa ngành, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ trong định hướng phát triển và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành, lĩnh vực, các quận, huyện, thị xã nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Thanh Nga
Bình luận