Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 11:11
Thứ bảy, 09/07/2022 11:07
TMO - Trong bối cảnh tiềm năng các nguồn thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nguồn nhiệt điện than gặp khó khăn trong huy động vốn... thì việc đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong nước, đặc biệt là nhanh chóng tháo gỡ rào cản khai thác hiệu quả tiềm năng trong phát triển điện gió ngoài khơi cần được chú trọng.
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn với điện gió ngoài khơi, có thể lên tới 160 GW và hiện trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi.
Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các nguồn nhiệt điện than đã dừng, phát triển điện khí LNG cũng bị hạn chế. Như vậy, năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi sẽ nắm vai trò quan trọng.
Tại hội thảo “Kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đến hết năm 2021, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đã đạt trên 78.120 MW, hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng công suất tuy không đồng đều cho tất cả các vùng, miền.
Trong bối cảnh tiềm năng các nguồn thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nguồn nhiệt điện than gặp khó khăn, nguồn nhiệt điện khí hoá lỏng có giá thành còn cao và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới... Bộ Công thương cho rằng: Cần đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa, có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.
Các chuyên gia đánh giá cao về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản hạn chế phát triển
Từ năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển xanh hóa với biện pháp tăng cường nhiều hơn nữa điện năng lượng tái tạo. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng tái tạo)
Chiến lược nêu rõ mục tiêu: Tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050.
Chính phủ cũng đồng thời ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời. Kết quả là đến cuối năm 2021, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) đạt 27% tổng công suất toàn hệ thống.
Liên quan đến điện gió ngoài khơi Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện, Việt Nam dự kiến nâng tổng công suất điện gió từ khoảng trên gần 4.000 MW năm 2022 lên đến khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đến 2045, tổng công suất điện gió khoảng 122,45 GW, trong đó điện gió ngoài khơi là 66,5 GW.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Đặng Hoàng An loại hình nguồn điện gió ngoài khơi chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy trình và thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn dẫn đến việc hiện thực hoá lượng công suất quy hoạch lên tới 7.000 MW vào năm 2030 thực sự là một thách thức lớn.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều rào cản để khai thác tối đa tiềm năng điện gió ngoài khơi, trong đó, việc chưa có quy hoạch hệ thống tuyến cáp ngầm dưới biển kết nối các dự án điện gió ngoài khơi để giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái, giao thông vận tải biển và sinh kế ngư dân được coi là trở ngại cho sự phát triển. Do vậy, cần nghiên cứu sâu hơn, đưa các tuyến cáp như "hành lang cao tốc" dưới biển.
Bên cạnh đó, khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi vẫn còn nhiều vướng mắc vì ngoài việc giá trị đầu tư vốn lớn, còn liên quan đến các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản và đặc biệt là an ninh quốc phòng... điện gió ngoài khơi có chu trình đầu tư khác biệt rất nhiều so với điện gió trên bờ, ở chỗ phạm vi quản lý biển dưới 6 hải lý thì thuộc cấp tỉnh, nhưng trên 6 hải lý là phải cấp cao hơn.
Việc triển khai các biện pháp tháo gỡ rào cản góp phần giúp Việt Nam khai thác hiệu quả lợi thế trong phát triển điện gió ngoài khơi
Đánh giá về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000km với 28 tỉnh, thành phố ven biển nên tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn.
Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió ngoài khơi hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một trong những nguồn cung chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho , hiện các công việc cần làm để triển khai các dự án điện gió ngoài khơi như: Quy hoạch điện VIII sớm được phê duyệt (hiện Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy hoạch); Sau khi được duyệt, Bộ Công thương còn chuẩn bị kế hoạch thực hiện. Bộ Công thương đang rất nỗ lực hoàn thiện quy hoạch, khung pháp lý, đấu thầu dự án...
Nguồn năng lượng điện gió được đánh giá sẽ giữ vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gia tăng việc làm, tăng cường cung ứng trong nước và thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, việc đẩy nhanh các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, rào cản góp phần khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Bùi Thuận
Bình luận