Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Chủ nhật, 27/08/2023 07:08
TMO - Hiện nay, vấn đề giá bán và vùng chăn nuôi an toàn vẫn đang là rào cản lớn khiến sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chưa được đẩy mạnh xuất khẩu.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 7 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 277 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
Đối với thịt lợn, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh với hơn 19.000 tấn, trị giá trên 18,4 triệu USD trong nửa đầu năm 2023; tăng 3,0% về lượng và tăng 17,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường Lào, Papua New Guinea, Malaysia. Đối với lợn sống, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 21.560 con nhưng 6 tháng đầu năm 2023 chỉ xuất được 6.833 con. Xuất khẩu thịt gia cầm trong nửa đầu năm nay đạt 75 triệu USD, tăng đột biến hơn 46% về lượng và hơn 79% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta còn nhiều hạn chế, dẫn đến giá trị xuất khẩu chưa cao.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2022, tổng đàn lợn cả nước tăng khoảng 12,4%; tổng đàn bò tăng khoảng 3,5%; tổng đàn gia cầm tăng 5,4%, cùng với trên 13 tỷ quả trứng và hơn 1 triệu tấn sữa. Mặc dù là nước có đàn gia cầm số lượng lớn thứ 2 thế giới, đàn lợn lớn thứ 5 thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mới chỉ đạt hơn 400 triệu USD/năm là quá nhỏ so với nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi lên tới 3,32 tỷ USD trong năm 2022.
Nguyên nhân cơ bản là do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, các quy định, quy chuẩn về vệ sinh thú y tại Việt Nam còn, chưa đạt theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Để gia tăng xuất khẩu sản phẩm ngành chăn nuôi thì việc đảm bảo vệ sinh thú y; xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đóng vai trò rất quan trọng...Ngoài ra, giá thành chăn nuôi của Việt Nam khá cao vì các chuỗi cung ứng phụ thuộc bên ngoài rất lớn. Nguồn thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống của nước ta đều cơ bản nhập khẩu và nguồn cung do các doanh nghiệp FDI chi phối nên sản phẩm thịt hiện không thể cạnh tranh được với các nước.
Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được đánh giá là giải pháp hướng tới thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất trong nước và xuất khẩu. Hiện cả nước có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh; trong đó, có 1 vùng cấp tỉnh, 38 vùng cấp huyện, 228 vùng cấp xã và gần 2.200 cơ sở. Phân loại theo loài có 1.106 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 1.335 cơ sở, vùng trên gia súc và 47 vùng bệnh dại.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có những khó khăn thách thức: Chăn nuôi của còn nhỏ lẻ manh mún, chăn nuôi theo hệ thống tự nhiên, chuồng hở nên quản lý an toàn dịch bệnh còn là bài toán khó. Bên cạnh đó tỷ lệ tiêm vaccine chúng ta vẫn chưa đạt, quy mô nhỏ lẻ lại còn phân tán. Đặc biệt là nhận thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn những hạn chế.
Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là giải pháp quan trọng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Nhằm giải quyết vấn đề này, Thủ tướng ban hành Quyết định số 889/TTg về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật để thúc đẩy xuất khẩu, giai đoạn 2023-2030. mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 19 vùng chăn nuôi đạt an toàn dịch bệnh theo quy chuẩn của Việt Nam. Trong đó, 4 vùng của tỉnh Bình Phước và 1 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Đến năm 2030, sẽ có 8 vùng của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng theo tiêu chuẩn của OIE.
Cục Thú y cũng tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Thông tư 24 còn quy định một số nội dung mới về điều kiện cấp mới, duy trì cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; số lượng mẫu giám sát; quy định cơ quan xét nghiệm, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến thành phần hồ sơ về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh và quyền lợi của cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Việt Nam hiện có 67 nhà máy chế biến thịt quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao (đồ hộp, hun khói, xúc xích…) 15-20%, chế biến phụ phẩm sau giết mổ (nước xương, thức ăn chăn nuôi) đã được đầu tư. Tuy nhiên, quy mô chế biến thịt lợn của nước ta mới chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20-22% sản lượng lợn thịt xuất chuồng. Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thịt, cần phải phát triển mạnh các nhà máy chế biến, sản phẩm phải bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Bộ NN&PTNT, để thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, nhất là các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế trong chăn nuôi, tạo điều kiện thúc đẩy việc sản xuất và xuất khẩu với mục tiêu nâng cao giá trị trong thời gian tới, bộ này sẽ hỗ trợ các địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ việc chuyển đổi số vào chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao nhằm tiết kiệm chi phí.
Đồng thời, Bộ hỗ trợ đẩy mạnh chăn nuôi gắn với chế biến để tăng năng suất và chất lượng xuất khẩu; chú trọng công tác xúc tiến thương mại một cách quyết liệt hơn; hỗ trợ việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại địa phương; lưu ý đề án chọn con giống, đề án thức ăn, đề án chế biến và giết mổ, đề án xử lý môi trường và thiết bị chuồng nuôi…
Thu Trang
Bình luận