Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ tư, 09/11/2022 12:11
TMO - Ngành cao su Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức từ thị trường thế giới cũng như vướng mắc về chính sách tại thị trường trong nước, điều này gây ra hạn chế về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cao su. Thực tế này đòi hỏi, các ngành chức năng cần triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt gần 1,4 triệu tấn với giá trị 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 6,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2021. hằng năm, đóng góp của ngành cao-su đối với ngân sách Nhà nước gồm các sản phẩm chính từ cao-su thiên nhiên, sản phẩm công nghiệp cao-su và gỗ cao-su vào khoảng 7-8 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng cao su nhưng đứng thứ 3 thế giới về sản lượng cao su xuất khẩu nhờ năng suất dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, giá bán cao su của Việt Nam lại thấp hơn các nước trong khu vực do khách hàng chưa tin cậy và sự ổn định chất lượng và uy tín của thương mại của doanh nghiệp. Do đó, việc nâng tầm thương hiệu ngành cao su Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng.
Thời gian qua, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là không mở rộng diện tích cao su nên ngành cao su tập trung tăng năng suất qua sử dụng giống cao sản, cơ giới hóa, áp dụng khoa học, kỹ thuật bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, tiếp tục nghiên cứu phát triển bền vững. Đây là những yếu tố giúp ngành cao su Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thúc đẩy liên kết trong các hộ sản xuất với doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, tiêu thụ mặt hàng cao su
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành cao su Việt Nam còn gặp nhiều thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách, gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao su và doanh nghiệp cao su Việt Nam. Cụ thể, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc. Việt Nam chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường khác. Vì thế, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Việt Nam có khoảng 265.000 hộ trồng cao su tiểu điền, với diện tích 495.700ha, tương đương 53,3% tổng diện tích cao su cả nước. Phần lớn (khoảng 87%) các vườn cao su tiểu điền có quy mô diện tích nhỏ dưới 3ha. Số hộ có trên 10ha chỉ chiếm dưới 1,5%. Tuy nhiên, trước tình hình giá cao su giảm liên tục và duy trì ở mức thấp, các hộ tiểu điền tại một số địa phương đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác để cải thiện thu nhập. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng diện tích cao su giảm dần.
Không chỉ mất cân đối ở thị trường xuất khẩu (phần lớn sang Trung Quốc), ngành cao su mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu chỉ 18-20%. Sản phẩm cao su thiên nhiên vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Ngoài ra, cơ chế chính sách chưa đồng bộ cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngành cao su.
Một số chính sách thuế gây vướng mắc và nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cao su như: phải kê khai thuế giá trị gia tăng đối với cao su sơ chế trong khâu kinh doanh thương mại, chưa được hưởng chính sách như các sản phẩm trồng trọt khác, chính sách thuế thu nhập từ gỗ cao su trên vườn cây như thu nhập bất thường. Mặt khác, việc xây dựng thương hiệu ngành cao su chưa nhận được sự hỗ trợ phát triển đồng bộ từ các cơ quan Bộ ngành.
Tháo gỡ những khó khăn về cơ chế chính sách, thúc đẩy xây dựng thương hiệu cao su góp phần thúc đẩy sản xuất bền vững ngành hàng này
Mới đây, tại Hội thảo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã kiến nghị tháo gỡ khó khăn về chính sách cho doanh nghiệp cao su. Theo đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao su thanh lý như với các sản phẩm trồng trọt khác. Bởi vì, cao su cũng là một nông sản như những mặt hàng nông sản khác. Việc trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và thanh lý cây cao su được thực hiện theo một chu kỳ liên tục.
Việc thanh lý cây cao su cũng giống như các loại cây trồng, vật nuôi khác, khi thanh lý có giá trị thu hồi. Tuy nhiên, các loại cây trồng, vật nuôi khác được hưởng chính sách miễn thuế trong khi cây cao su lại phải chịu mức thuế cao. Sự thiếu đồng bộ về chính sách thuế đã tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản và thủy hải sản.
Với chính sách tài chính đối với đất đai, VRA đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất trồng của vườn cây cao su tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản. Cao su là cây trồng lâu năm, giai đoạn xây dựng cơ bản kéo dài khoảng 6 – 8 năm. Sau 20 – 25 năm thu hoạch mủ, cây cao su sẽ được khai thác gỗ để trồng lại và tiếp tục chu kỳ tiếp theo.
Thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu thông qua hình ảnh nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam đã được bảo hộ ở nhiều quốc gia tiêu thụ cao su lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ. VRA đề nghị Bộ NN&PTNT cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia để góp phần phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam thành thương hiệu nông sản quốc gia. Có các chính sách hỗ trợ trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh, và đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài tương tự như các nông sản khác.
Vũ Phong
Bình luận